19

HƯỚNG DẪN AN TOÀN PHẪU THUẬT TẠI KHOA GÂY MÊ HỒI SỨC TẠI BỆNH VIỆN MẮT BẰNG VIDEO

An toàn phẫu thuật là một trong 6 mục tiêu an toàn người bệnh mà Tổ chức Y tế (WHO) đề ra. Người bệnh đến Bệnh viện để phẫu thuật với mong muốn được an toàn trong thời gian điều trị, nhất là khi bước vào phòng mổ. Hầu hết các người bệnh khi vào phẫu thuật mắt là lần đầu đi mổ đều mang tâm trạng lo lắng, không biết chuẩn bị như thế nào, trang phục ra sao? Và khi vào môi trường phòng mổ lại càng lúng túng hơn khi không biết mình sẽ phải làm gì, trang bị cho bản thân như vậy đã đủ và đúng chưa? Rất nhiều câu hỏi, thắc mắc trong lòng mà không dám bày tỏ.

Nhiệm vụ an toàn phẫu thuật là điều kiện tiên quyết của khoa Gây mê hồi sức giúp cho người bệnh an tâm phẫu thuật. Muốn vậy, người bệnh phải tuân thủ các nội quy, quy định tại khu phẫu thuật. Người bệnh có thể tham khảo hướng dẫn trong lúc chờ phẫu thuật sẽ giúp người bệnh tự tin hơn, hợp tác tốt hơn, giải quyết được những khó khăn, lo lắng của người bệnh cũng như giảm tải cho nhân viên y tế.

Khi người bệnh vào phòng phẫu thuật, sẽ trải qua các bước:

A. TRƯỚC KHI VÀO PHÒNG PHẪU THUẬT:

 Người bệnh sẽ được nhân viên y tế thực hiện qui trình như sau:

  1. Kiểm tra về trang phục người bệnh :

+ Người bệnh được trang bị quần áo đi mổ, đội nón, đeo khẩu trang, mang vớ chân và đeo vòng tay thông tin.Không mặc chồng quần áo đi mổ, lên trên quần áo đi đường.

+ Khi đội nón, lưu ý làm gọn hết tóc, che kín vành tai, tháo bỏ đồ cột tóc và trang sức, đồng hồ. Không trang điểm, sơn móng tay, chân…

+ Người bệnh không được mang điện thoại, ví bóp tiền quý giá mang theo người, nên giao cho người nhà cất giữ bên ngoài. 

  1. Người bệnh nên đi vệ sinh trước khi vào trong phòng phẫu thuật.
  2. Riêng trường hợp mổ gây mê người bệnh mặc tã quần giấy và không mặc áo lót trong
  3. Người bệnh sẽ được nhân viên y tế kiểm tra mạch, huyết áp
  4. Người bệnh sẽ được tiêm tê cạnh nhãn cầu hoặc nhỏ tê tại chổ.

B. TRONG PHÒNG PHẪU THUẬT.

Người bệnh cần thực hiện:

  1. Trả lời chính xác, to rõ khi nhân viên y tế kiểm tra nhận diện người bệnh với Hồ sơ bệnh án: Họ tên, năm sinh, địa chỉ, vị trí phẫu thuật, phương pháp phẫu thuật…
  2. Không nói chuyện lớn, chú ý lắng nghe nhân viên y tế hướng dẫn trong phẫu thuật, không chạm vào trang thiết bị, máy móc.
  3. Không đi ra khỏi khu vực phòng mổ mà chưa báo cho nhân viên y tế được biết
  4. Không đưa tay lên vùng mặt, vùng phẫu thuật mắt đã sát khuẩn. Không đưa tay ra ngoài khăn đắp khi phẫu thuật.
  5. Nên báo cho nhân viên y tế được biết khi có sự bất thường trong cơ thể như mệt, khó thở, chóng mặt, buồn nôn …., có thể tạm dừng cuộc phẫu thuật để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh đến khi ổn định.
  6. Tư thế đúng khi nằm trên bàn mổ: Nằm ngửa, đỉnh đầu sát cạnh trên và lọt vào hõm giường, 2 tay 2 chân thẳng tự nhiên, thả lỏng cơ thể, hít thở đều.

+ Lưu ý: trong khi phẫu thuật, người bệnh không nên lắc đầu hay thay đổi tư thế khi chưa có sự đồng ý của bác sỹ mổ và  nhân viên phòng mổ.

C. SAU KHI MỔ:

Người bệnh sẽ được theo dõi sau khi kết thúc cuộc mổ. Nếu ổn định hoặc không có gì bất thường nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người bệnh về khoa trại ban đầu để theo dõi, hướng dẫn sử dụng thuốc và chăm sóc mắt mổ.

LƯU Ý: Trong trường hợp khẩn cấp người bệnh và người nhà nên thực hiện theo sự sắp xếp và hướng dẫn của nhân viên y tế.

Tiêu chí của khoa Gây mê hồi sức chúng tôi: “AN TOÀN PHẨU THUẬT, NGƯỜI BỆNH HÀI LÒNG”