479

Laser tạo hình vùng bè chọn lọc trong điều trị glaucoma góc mở

Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), glaucoma là nguyên nhân gây mù thứ hai trên thế giới, chiếm tỷ lệ 8%, và là nguyên nhân gây mù loà không hồi phục hàng đầu trên toàn thế giới. Kết quả từ nghiên cứu của Quigley và cộng sự nêu rõ, năm 2020 trên thế giới sẽ có 79,6 triệu người bị glaucoma, trong đó tỷ lệ người bị glaucoma góc mở (OAG) là 74%. Cũng theo nghiên cứu này, số bệnh nhân glaucoma người Châu Á chiếm 47% thế giới, trong đó số người bị mù cả hai mắt do OAG được dự đoán là 5,3 triệu người vào năm 2020. Bệnh nhân gốc Á chiếm hơn phân nửa số lượng bệnh nhân POAG trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, theo điều tra dịch tễ tại 16 tỉnh thành về tình hình mù lòa có thể phòng tránh được của Viện Mắt trung ương và tổ chức Atlantic Philanthropies năm 2007, có 24.800 người bị mù cả hai mắt do glaucoma (nguyên nhân thứ hai sau đục thủy tinh thể). Bệnh glaucoma, nhất là glaucoma góc mở với tiến triển bệnh từ từ, không triệu chứng, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ mù lòa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mục tiêu của điều trị glaucoma là duy trì chức năng thị giác bằng cách ngăn ngừa sự tổn hại thêm của lớp sợi thần kinh và thị trường nhằm bảo toàn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hạ nhãn áp có hiệu quả ngăn ngừa tổn thương thị trường tiến triển thêm với bất kỳ loại glaucoma nào, và bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Điều trị có thể lựa chọn từ thuốc, laser hoặc can thiệp phẫu thuật. Đối với glaucoma góc mở, lựa chọn đầu tay thường là thuốc nhỏ tại chỗ, bắt đầu với đơn trị liệu và tiến dần sang phối hợp thuốc hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những bất lợi nhất định với thuốc. Đầu tiên, khi phối hợp thuốc, tác dụng của từng thuốc sẽ có xu hướng kém hơn so với khi sử dụng riêng trong đơn trị liệu. Kế đến là những tác dụng phụ của thuốc và những tổn thương trên bề mặt nhãn cầu xuất phát từ những chất bảo quản của thuốc điều trị glaucoma. Bên cạnh đó, số thuốc nhỏ càng nhiều sẽ dẫn tới mức độ tuân thủ điều trị của bệnh nhân càng kém, do đó trước khi quyết định bổ sung thêm một phương thức điều trị phối hợp, người bác sĩ nhãn khoa cần phải cân nhắc giữa nhiều lựa chọn từ thuốc, laser đến phẫu thuật.

Kỹ thuật laser tạo hình vùng bè chọn lọc (SLT) được Mark Latina giới thiệu vào năm 1995 như là một kỹ thuật hiệu quả và an toàn để hạ nhãn áp trên những bệnh nhân glaucoma góc mở. SLT sử dụng laser Nd: YAG 532nm với các xung cực ngắn 3 nanosecond tác dụng lên các tế bào sắc tố ở vùng bè, không gây tổn thương mô lân cận và không để lại sẹo. Tháng 3 năm 2001, SLT được FDA công nhận để đưa vào điều trị OAG. Ngoài ra, SLT còn là một lựa chọn điều trị đối với các bệnh nhân kém dung nạp hoặc không tuân thủ điều trị với thuốc điều trị glaucoma mà không ảnh hưởng đến kết quả của phẫu thuật trong tương lai. SLT có thể được sử dụng như một kỹ thuật điều trị đầu tay hoặc điều trị phối hợp trong những trường hợp bệnh nhân dị ứng thuốc hay thuốc chưa đạt hiệu quả hạ nhãn áp cần thiết. Với những ưu điểm trên, SLT đang dần được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2014.

Khoa Glaucoma, bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh triển khai điều trị SLT trên bệnh nhân glaucoma góc mở từ năm 2015 và đạt được nhiều hiệu quả khả quan, giúp cải thiện nhãn áp và nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân glaucoma góc mở điều trị tại khoa.