598

“SỬ DỤNG KHÁNG SINH CÓ TRÁCH NHIỆM” HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG KHÁNG THUỐC NĂM 2021

Căn cứ Công văn số 8449/SYT-NVD ngày 12/11/2021 của Sở Y tế về việc hưởng ứng Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc. Thời gian diễn ra từ ngày 18 – 24/11/2021 với chủ đề: “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”. Nhằm hưởng ứng tuần lễ này, khoa Dược chia sẻ bài viết sau đây:

Kháng thuốc hiện nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG KHÁNG SINH:

  1. Chỉ được dùng kháng sinh khi mắc các bệnh do vi khuẩn gây ra 

–  Bác sĩ cần căn cứ kết quả xét nghiệm và thăm khám để quyết định có sử dụng thuốc hay không.

–  Không dùng thuốc cho những bệnh do virus gây ra hoặc do cơ thể suy nhược, thiếu máu, dị ứng, bướu cổ,…

  1. Chỉ dùng kháng sinh khi có đơn của bác sĩ

Điều trị bằng kháng sinh sẽ giúp làm giảm nhẹ triệu chứng, rút ngắn thời gian bệnh, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng, hạn chế lây bệnh cho những người xung quanh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị, cần phải dùng thuốc đủ liều và đủ thời gian như đơn kê của bác sĩ. Ngừng kháng sinh sớm hoặc không đủ liều có thể gây ra đề kháng kháng sinh, bệnh dễ tái phát lại và nghiêm trọng hơn so với ban đầu.

  1. Lựa chọn Đúng để đảm bảo hiệu quả của thuốc

–  Đúng kháng sinh: Phụ thuộc người bệnh (lứa tuổi, tiền sử dị ứng, chức năng gan – thận, tình trạng suy giảm miễn dịch,…) và vi khuẩn gây bệnh (chủng loại, vị trí nhiễm khuẩn, độ nhạy với kháng sinh). Đặc biệt cân nhắc nguy cơ/lợi ích khi dùng thuốc cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú.

–  Đúng liều dùng: Phụ thuộc tuổi, cân nặng, chức năng gan – thận, mức độ nặng của bệnh. Lưu ý trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già cần được hướng dẫn riêng vì khác nhau về đặc điểm dược động học, liều lượng.

–  Đúng đường dùng: Phụ thuộc vị trí và mức độ nhiễm khuẩn.

  • Đường uống thường được sử dụng cho nhiễm khuẩn nhẹ, có thể điều trị ngoại trú.
  • Nhập viện ban đầu cần sử dụng đường tiêm, sau đó nên chuyển qua đường uống nếu có thể. Đối với Aminoglycosid, Vancomycin, Amphotericin B gần như không hấp thu qua đường tiêu hóa, vì vậy cần dùng đường tĩnh mạch để đạt hiệu quả điều trị.
  • Hạn chế sử dụng kháng sinh tại chỗ vì có thể gây dị ứng hoặc hiện tượng kháng kháng sinh. Chỉ nên dùng kháng sinh tại chỗ trong trường hợp nhiễm khuẩn ở mắt.  Nên dùng thuốc sát khuẩn đối với những nhiễm khuẩn ngoài da.

–  Đúng thời gian: Phụ thuộc tình trạng nhiễm khuẩn, vị trí nhiễm khuẩn, sức đề kháng của người bệnh. Hạn chế điều trị kéo dài để tránh kháng thuốc, tăng tỷ lệ xuất hiện ADR.

  • Nhiễm khuẩn thông thường: Dùng thuốc từ 7 – 10 ngày.
  • Nhiễm khuẩn nặng (viêm màng não, viêm màng trong tim, lao,…): Dùng thuốc kéo dài, có thể trong nhiều tháng.
  1. Sử dụng kháng sinh dự phòng hợp lý

–  Chỉ nên dùng thuốc khi:

  • Phòng bội nhiễm do can thiệp thủ thuật, phẫu thuật nha khoa
  • Vùng có dịch bệnh

–  Sử dụng kháng sinh dự phòng bừa bãi có thể dẫn tới bội nhiễm và kháng thuốc, do đó cần hạn chế trong các trường hợp lợi ích đem lại vượt trội hơn so với nguy cơ.

  1. Phối hợp kháng sinh khi thật cần thiết

–  Nhiễm khuẩn thông thường: Sử dụng kháng sinh đặc hiệu cho loại vi khuẩn đang nhiễm.

–  Các trường hợp như lao, viêm màng trong tim, Brucellosis, bệnh nặng không chuẩn đoán được vi sinh hoặc không chờ được kết quả xét nghiệm, người suy giảm sức đề kháng, nhiễm nhiều loại vi khuẩn khác nhau: Sử dụng kháng sinh phối hợp.

  1. Tác dụng không mong muốn và độc tính khi sử dụng kháng sinh

Tất cả các kháng sinh đều có thể gây ra ADR, do đó cần cân nhắc nguy cơ/lợi tích trước khi quyết định sử dụng. Nếu lạm dụng sẽ gây ra các vấn đề  nghiêm trọng về sức khỏe.

–  Phản ứng quá mẫn, dị ứng với kháng sinh hoặc chất chuyển hóa của nó xảy ra khá thường xuyên.

–  Nồng độ kháng sinh cao có thể gây độc trực tiếp lên tế bào cơ thể.

–  Suy giảm chức năng gan – thận dẫn tới giảm khả năng thải trừ kháng sinh, kéo dài thời gian lưu thuốc trong cơ thể, làm tăng nồng độ dẫn tới tăng độc tính.

  1. Không chia sẻ thuốc kháng sinh với người thân hoặc bạn bè

–  Không để dành kháng sinh cho đợt bệnh sau của bạn.

–  Dùng đúng loại kháng sinh mà bác sĩ kê cho bạn. Không bỏ sót liều. Thực hiện đủ liệu trình đã được kê đơn dù cho bạn cảm thấy đã khỏe hơn. Nếu kết thúc điều trị sớm quá, một số vi khuẩn có thể sống sót và lại gây bệnh.

–  Không dùng kháng sinh được kê đơn cho người khác vì có thể không phù hợp với bệnh của bạn. Dùng sai thuốc có thể làm chậm trễ việc điều trị đúng và làm cho vi khuẩn đề kháng thuốc. Nếu bác sĩ xác định bạn không mắc bệnh nhiễm khuẩn, hãy hỏi cách làm giảm nhẹ các triệu chứng và đừng yêu cầu bác sĩ phải kê đơn kháng sinh cho bạn.

 

Một số hoạt động hưởng ứng tuần lễ kháng sinh do khoa Dược và phòng CTXH thực hiện:

*  Treo băng rôn với khẩu hiệu: “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm” tại Khu khám 1 và Khu khám 2. Đây đều là những khu vực có nhiều bệnh nhân qua lại và dễ theo dõi.

*  Thiết kế poster với chủ đề: “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm” treo tại các bảng thông tin thuốc khoa Dược, khu vực bàn khám và điều trị của các khoa lâm sàng.

CAM KẾT HÀNH ĐỘNG: Hãy nói “Không” với việc lạm dụng thuốc kháng sinh.

#AntibioticResistance 

#AMRWeekVietnam2021 

Tài liệu tham khảo:

www.facebook.com/amrweekvietnam

www.who.int/drugresistance

Một số bài viết kháng sinh khác