481

CẢNH GIÁC VỚI BỆNH DO VI KHUẨN WHITMORE GÂY RA SAU LŨ LỤT

Gần đây, BV Trung ương Huế vừa cảnh báo về sự xuất hiện và gia tăng đột biến bệnh nhân mắc Whitmore sau lũ lụt (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người). Đây là một bệnh lý rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong chiếm khoảng từ 40 – 60%, bệnh nhân có thể mất mạng trong vòng 1 tuần nếu bị nhiễm khuẩn cấp và khi không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
 Vi khuẩn ăn thịt người là gì?
Thực ra không có vi khuẩn nào ăn thịt người theo nghĩa đen, mà cụm từ “vi khuẩn ăn thịt người” hay được các phương tiện truyền thông sử dụng về bản chất là các vi khuẩn gây hiện tượng viêm cân mạc hoại tử (Necrotizing Fasciitis – NF).Viêm cân mạc hoại tử là một nhiễm khuẩn sâu dưới da, tiến triển rất nhanh, do độc tố của vi khuẩn Whitmore gây viêm và phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ.
? Sự lây truyền của bệnh Whitmore
Bệnh Whitmore là một loại bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (vi khuẩn Whitmore). Người và động vật có thể mắc căn bệnh này.
Whitmore là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, bệnh ít gặp ở những người khỏe mạnh. Mọi người có thể bị lây nhiễm bệnh Whitmore thông qua hít thở, uống phải nước nhiễm khuẩn, tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn. Đặc biệt là khi có vết trầy xước trên da, nhất là vùng da dễ tiếp xúc với đất, bụi, nước bẩn thì nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao và tiến triển nhanh hơn. Tuy vậy, bệnh hiếm khi lây nhiễm giữa người và người, chủ yếu từ yếu tố môi trường gây bệnh cho người. Tuy nhiên, có tác giả cho rằng, nếu sử dụng chung kim tiêm hoặc quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh thì vi khuẩn Whitmore có thể lây từ người bệnh sang người lành. Ngoài ra, một số động vật như cừu, dê, ngựa, chó, mèo, … cũng là nguồn gây bệnh.
 Bệnh Whitmore nguy hiểm thế nào?
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người nhiễm vi khuẩn bệnh Whitmore nếu không được điều trị kịp thời thì cứ 10 người nhiễm sẽ có 9 người tử vong. Tuy nhiên, khi người bệnh được chẩn đoán sớm, điều trị đúng (dùng kháng sinh) thì con số tử vong vẫn ở mức 4 người trên 10 người (khoảng 40%) và tỷ lệ tử vong có thể giảm xuống chỉ còn 2/ 10 người khi bệnh nhân được điều trị trong điều kiện y tế tốt, chăm sóc tích cực, điều trị kịp thời và hiệu quả.
 Nhận biết bệnh Whitmore
Các triệu chứng khi nhiễm vi khuẩn Whitmore thường xuất hiện trong vòng 24 giờ kể từ khi nhiễm khuẩn, và thường không xuất hiện đơn lẻ mà xuất hiện kết hợp với nhau. Các dấu hiệu có thể xuất hiện là đau tăng mạnh ở khu vực xung quanh của vết thương, chỗ trầy xước… Khu vực xung quanh vết thương biểu hiện triệu chứng viêm rất rõ (sưng, nóng, đỏ, đau). Ngoài ra, xuất hiện các triệu chứng như sốt, chóng mặt, cảm giác khó chịu, buồn nôn, tiêu chảy, màu da vùng vi khuẩn xâm nhập (chân, tay…) thay đổi khi bệnh tiến triển (màu tím). Tiếp đến là xuất hiện mụn nước chứa đầy dịch sẫm màu có mùi khó chịu. Sau đó da mất màu, bong da, tuột da khi hoại thư mô xảy ra. Các triệu chứng nghiêm trọng thường xảy ra trong vòng 4 – 5 ngày sau khi nhiễm khuẩn như tụt huyết áp nghiêm trọng, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc và có thể lơ mơ dẫn đến hôn mê.
 Phòng bệnh Whitmore
Cần hạn chế tiếp xúc với bùn, đất, nước vùng bị ô nhiễm, đặc biệt là vùng sau lũ, lụt có khả năng nhiễm vi khuẩn Whitmore, nhất là tay, chân trần tiếp xúc không có bảo hộ lao động. Vì vậy, nên sử dụng ủng, tất nilon, bao tay khi tiếp xúc với nước, đất và mặc đồ bảo hộ nếu cần thiết. Những người đang có vết thương, mụn nhọt ở tay, chân, … nên tránh tiếp xúc với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm. Nếu bị thương, vết thương nhiễm bẩn cần rửa sạch bằng xà phòng, sát trùng bằng cồn và lau khô.
Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất hoặc nước bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng.
Đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để thăm khám khi có các triệu chứng sốt cao, viêm phổi, bị áp-xe hay nổi cục nhiễm trùng ở nhiều vùng cơ thể khác nhau.
Nguồn: HCDC