Vitamin A là một trong 3 loại vi chất (iod, vitamin A, sắt) mà trẻ em Việt thường bị thiếu hụt, dẫn đến sức đề kháng kém, chậm phát triển và dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm. Do đó, khi xây dựng thực đơn cho trẻ, bố mẹ cần chú ý bổ sung đủ vitamin A để trẻ được phát triển toàn diện.
Vai trò của vitamin A đối với sự phát triển của trẻ
Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo, có vai trò quan trọng với sự phát triển của cơ thể:
+ Thị lực: Vitamin A có vai trò quan trọng trên hầu hết các cấu trúc của thị giác. Nếu không được cung cấp đủ vi chất này, trẻ sẽ bị quáng gà, khô mắt, giảm thị lực. Nguy hiểm hơn, nếu trẻ thiếu vitamin A nặng có thể gây nhuyễn giác mạc, loét giác mạc và có nguy cơ mù lòa.
+ Chức năng và cấu trúc khác của cơ thể: ngoài chức năng trên thị giác, vitamin A còn có liên quan đến nhiều chức năng khác của cơ thể: chức năng miễn dịch, sự tăng trưởng của xương, chống oxy hóa bảo vệ các tế bào… vì vậy khi thiếu vitamin A có thể dẫn đến:
- Dễ mắc bệnh nhiễm trùng: đặc biệt là nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa.
- Chậm lớn, giảm tăng trưởng chiều cao.
- Thiếu máu.
Biểu hiện của trẻ thiếu vitamin A
Để chẩn đoán tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ, có thể dựa trên một số biểu hiện lâm sàng ở mắt như:
- Quáng gà (ký hiệu XN): Đây là biểu hiện sớm nhất của bệnh khô mắt do thiếu vitamin A. Trẻ thường nhút nhát, không dám đi lại, hoặc dễ té ngã khi đi vào lúc chập choạng tối.
- Vệt Bitot (X1B): là triệu chứng đặc hiệu của tổn thương kết mạc do thiếu vitamin A. Đây là những vệt trắng bóng trên màng tiếp hợp mắt (còn gọi là kết mạc hay lòng trắng), thường có hình tam giác như đám bọt xà phòng, hay gặp ở sát rìa giác mạc ở vị trí 3 giờ hoặc 9 giờ, có thể thấy ở cả 2 mắt.
- Khô giác mạc (X2): Giác mạc (lòng đen) trở nên mờ đục như làn sương phủ, có thể sần sùi, hay kèm theo khô kết mạc hoặc vệt Bito. Biểu hiện điển hình là trẻ sợ ánh sáng, hay cụp mắt nhìn xuống, ra ánh sáng thường nhắm mắt.
- Loét nhuyễn giác mạc (X3A và X3B): là sự mất tổ chức một phần hay tất cả các lớp của giác mạc. Nếu để loét giác mạc sâu và rộng sẽ bị mù vĩnh viễn.
- Sẹo giác mạc do khô mắt (XS): Là di chứng sau khi bị loét giác mạc, tùy theo vị trí và mức độ sẹo (sẹo lồi, sẹo dúm) sẽ ảnh hưởng đến thị lực hoặc mù hoàn toàn.
- Tổn thương đáy mắt do khô mắt (XF): tổn thương này thường gặp ở trẻ tuổi đi học, có thể kèm theo quáng gà. Phát hiện bằng soi đáy mắt, cho thấy hình ảnh các chấm nhỏ màu trắng hoặc vàng nhạt rải rác, dọc theo các mạch máu võng mạc.
Trẻ thiếu vitamin A dẫn đến bị quáng gà khiến trẻ e dè, mất tự tin
Nguyên nhân khiến trẻ thiếu vitamin A
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ thiếu vitamin A như:
- Khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A hoặc không đủ chất béo: bệnh thiếu vitamin A thường xảy ra khi tình trạng thiếu hụt kéo dài nhiều ngày, và thường gặp nhất ở giai đoạn từ lúc trẻ tập ăn dặm. Những trẻ được tập ăn dặm sớm, việc chế biến thức ăn dặm sai (thiếu dầu, mỡ, thiếu rau củ…), bú mẹ không đủ… đều có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin A
- Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân, sinh đa thai…: do lượng dự trữ vitamin A trong cơ thể ít hơn trẻ bình thường.
- Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng: các bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt là một số bệnh do virus như sởi, phát ban siêu vi, tiêu chảy cấp… làm tăng nhu cầu vitamin A và có thể khiến trẻ thiếu vitamin A nặng hơn. Nhiễm ký sinh trùng đường ruột nhất là giun đũa cũng gây thiếu vitamin A.
- Trẻ bị suy dinh dưỡngcũng thường kèm theo tình trạng thiếu vitamin A.
- Bệnh lý rối loạn hấp thu chất béo: bệnh lý gan mật, tắc nghẽn đường mật, bệnh xơ cứng rải rác ống tiêu hóa…
Phòng ngừa và điều trị thiếu vitamin A thế nào?
Theo khuyến nghị của Bộ Y tế Việt Nam, trẻ em cần được bổ sung vitamin A đầy đủ theo nhu cầu của từng độ tuổi để phòng bệnh khô mắt, giúp trẻ phát triển tốt về cả thể chất lẫn trí tuệ.
BẢNG NHU CẦU VITAMIN A THEO TỪNG ĐỘ TUỔI |
|
Tuổi |
Nhu cầu vitamin A (mcg RAE/ngày) |
Dưới 6 tháng tuổi |
375 |
6 tháng – 3 tuổi |
400 |
4 – 6 tuổi |
450 |
7 – 9 tuổi |
500 |
10 tuổi đến trưởng thành |
600 |
Để phòng ngừa tình trạng thiếu vitamin A, phụ huynh cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ cho đến lúc trưởng thành:
Trong giai đoạn mang thai và cho con bú:
Mẹ cần được cung cấp đủ dưỡng chất (đặc biệt bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, caroten, đạm và chất béo), uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ để con sinh ra khỏe mạnh, không bị thiếu cân. Lưu ý: phụ nữ mang thai không có chỉ định uống bổ sung vitamin A trong bất kì giai đoạn nào của thai kì.
Hãy cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt sau sinh và duy trì bú mẹ hoàn toàn tối thiểu trong 6 tháng đầu và có thể kéo dài đến khi trẻ tròn 2 tuổi hoặc hơn. Mẹ cần ăn đa dạng thực phẩm để đảm bảo chất lượng nguồn sữa mẹ đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ.
Tăng cường vitamin A từ thực phẩm trong giai đoạn ăn dặm:
Từ tháng thứ 6 trở đi, trẻ bắt đầu tập ăn dặm. Khẩu phần ăn của trẻ cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và các nhóm chất cần thiết (bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất) để trẻ không bị suy dinh dưỡng.
Đặc biệt, bổ sung vitamin A qua thực phẩm là giải pháp lâu dài, an toàn và hiệu quả để phòng bệnh thiếu vi chất này. Theo đó, các nhóm thực phẩm giàu vitamin A mà bố mẹ có thể tăng cường cho trẻ bao gồm:
– Thức ăn nguồn gốc động vật: gan, thịt, cá, trứng, sữa… Hàm lượng vitamin A có trong những thực phẩm này được thể hiện ở bảng sau:
MỘT SỐ THỰC PHẨM GIÀU VITAMIN A |
|||
Tên thực phẩm |
Vitamin A (mcg) |
Tên thực phẩm |
Vitamin A (mcg) |
1. Gan gà |
6,960 |
9. Trứng vịt |
360 |
2. Gan heo |
6,000 |
10. Cật bò |
330 |
3. Gan bò |
5,000 |
11. Sữa bột toàn phần |
318 |
4. Gan vịt |
2,960 |
12. Phó mát |
275 |
5. Lươn |
1,800 |
13. Thịt ngỗng |
270 |
6. Trứng vịt lộn |
875 |
14. Thịt vịt |
270 |
7. Trứng gà |
700 |
15. Cá chép |
181 |
8. Bơ |
600 |
16. Cật heo |
150 |
– Thức ăn nguồn gốc thực vật, chứa nhiều tiền vitamin A (caroten) gồm: các loại rau xanh như rau muống, bông cải xanh, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, rau thơm; các loại củ quả như gấc, cà rốt, ớt chuông, quả chín như đu đủ, xoài…
Theo các nghiên cứu, tiền vitamin A khi vào cơ thể sẽ được chuyển thành vitamin A theo tỷ lệ 12:1 đối với hoa quả chín và 22-24:1 đối với rau xanh.
Đặc biệt, sử dụng thực phẩm giàu vitamin A cần đi kèm với chế độ ăn đủ chất béo trong khẩu phần để hàm lượng vitamin A hấp thu được dễ dàng và trọn vẹn.
Bổ sung vitamin A qua thực phẩm là giải pháp lâu dài để ngăn ngừa tình trạng thiếu vi chất này ở trẻ
Uống bổ sung vitamin A liều cao
Đối với trẻ có nguy cơ cao thiếu vitamin A, trẻ cần được uống bổ sung viên nang vitamin A mỗi 6 tháng 1 lần (trẻ giai đoạn 6-36 tháng tuổi). Với trẻ dưới 12 tháng tuổi cho uống viên nang 100.000 IU/lần, trẻ trên 12 tháng uống viên nang 200.000 IU/lần.
Riêng với trẻ bị mắc bệnh khô mắt, quáng gà, khô kết mạc, vệt Bitot, khô loét giác mạc cần được điều trị cấp tốc theo phác đồ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):
- Ngay lập tức: uống 200.000 IU vitamin A.
- Ngày hôm sau: uống tiếp 200.000 IU vitamin A.
- Một tuần sau: uống nốt 200.000 IU vitamin A.
Lưu ý, nếu trẻ dưới 12 tháng tuổi thì dùng nửa liều trên (mỗi lần 100.000 IU vitamin A).
Tiêm chủng vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho trẻ
Tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng (đặc biệt là sởi, lao, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…). Và khi bị mắc bệnh, thời gian bệnh kéo dài hơn, nguy cơ tử vong cao hơn. Hơn nữa, khi mắc bệnh nhiễm khuẩn này, nhu cầu vitamin A trong cơ thể lại tăng cao khiến tình trạng thiếu hụt vitamin A ở trẻ thêm trầm trọng. Do đó, bố mẹ cần chú ý tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.
Tư vấn, điều trị cho trẻ thiếu vitamin A ở đâu?
Với trẻ đang bị thiếu vitamin A, hoặc nghi ngờ thiếu vitamin A, bố mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các trung tâm dinh dưỡng uy tín để được kiểm tra tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý, từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả nhất.