34

ĐỪNG ĐỂ TRẺ THIẾU VITAMIN A

Vitamin A là một trong 3 loại vi chất (i-ốt, vitamin A, sắt) không thể thiếu đối với cơ thể, đặc biệt là đối với trẻ em. Nhằm phòng, chống tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ dưới 5 tuổi, Bộ Y tế phát động 2 đợt chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ và tháng 6 và tháng 12 hàng năm. Theo đó, vào 2 ngày 5 và 6/12/2024, khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Mắt triển khai thực hiện Chiến dịch uống bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 – 35 tháng tuổi đợt 2 năm 2024.

Nguồn ảnh: Suckhoedoisong.vn

Tầm quan trọng của vitamin A

Vitamin A được xem là “tấm khiên” bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng và là yếu tố bảo vệ phòng, chống ung thư. Vitamin A thường được biết đến nhiều là vai trò quan trọng với thị giác, giúp bảo vệ và nuôi dưỡng giác mạc mắt. Ngoài ra, vitamin A cũng có những công dụng khác như giúp tăng trưởng về cân nặng, chiều cao và đóng góp trong việc nuôi dưỡng, tái tạo da

Vì vậy, đừng để cơ thể thiếu vitamin A, nhất là ở trẻ em dưới 3 tuổi. Thiếu vitamin A chính là nguyên nhân gây ra các bệnh nghiêm trọng ở trẻ em như quáng gà, “khô mắt” … Những bệnh lý này nếu không điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến mù vĩnh viễn, tiêu chảy, chậm phát triển, nguy cơ gây thấp còi và hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nguy hiểm hơn có thể dẫn tới tử vong ở trẻ.

Nguyên nhân thiếu vitamin A:

– Do khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A: sữa mẹ chứa nhiều vitamin A, thích hợp hấp thu đối với trẻ. Tuy nhiên, nhiều trẻ nhỏ không được bú sữa mẹ hoặc cai sữa mẹ sớm dẫn đến trẻ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng bao gồm cả vitamin A. Trong giai đoạn trẻ ăn dặm, chỉ tập cho trẻ ăn bột, cháo,… không bổ sung thực phẩm động vật, rau xanh khiến cơ thể trẻ thiếu vitamin A. Bên cạnh đó, chế độ ăn thiếu dầu mỡ làm giảm hấp thu vitamin A ở trẻ.

– Do trẻ bị nhiễm trùng, mắc các bệnh lý như sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, nhiễm giun (nhất là giun đũa) cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu hụt vitamin A.

– Do tình trạng thiếu protein, thiếu các vi chất khác (kẽm, vitamin D…) làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa, vận chuyển vitamin A dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt vitamin A.

Dinh dưỡng bữa ăn để cơ thể trẻ đủ vitamin A

Đầu tiên, cải thiện chất lượng bữa ăn bằng cách sử dụng đầy đủ và phối hợp đa dạng nguồn thực thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày. Trong đó, các mẹ cần ưu tiên cho trẻ thực phẩm giàu vitamin A và tiền chất vitamin A như: nguồn gốc từ động vật (lòng đỏ trứng, cá, sữa,…); nguồn gốc từ thực vật các loại củ, quả có màu đỏ, cam, vàng (cà rốt, cà chua, gấc, bí ngô, xoài, hồng, khoai lang nghệ,…); các loại rau có màu xanh sẫm (rau ngót, rau cải, rau mồng tơi, rau dền, rau đay, rau lang, thì là, súp lơ…). Lưu ý, thực phẩm cung cấp vitamin A cần được chế biến kèm với chất béo (dầu thực vật,…) để vitamin A được chuyển hóa và hấp thu tốt nhất.

Những khuyến cáo cần lưu ý:

– Đối với trẻ nhỏ: cần nuôi con bằng sữa mẹ ngay từ khi mới sinh cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc hơn.

– Từ tháng thứ 4 trở đi: cần tập cho trẻ ăn dặm để đảm bảo nguồn thực phẩm cung cấp đủ vitamin A, chất đạm và chất béo cũng như muối khoáng hàng ngày.

– Khi trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi: ngoài việc tập ăn dặm cho trẻ bữa ăn dinh dưỡng hằng ngày thì cần phải cho trẻ uống vitamin A liều cao bổ sung định kỳ 6 tháng/lần theo lịch của cơ quan y tế.

Nguồn ảnh: Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Mắt

Trong giai đoạn phát triển của trẻ em, nếu phát hiện trẻ bắt đầu có các dấu hiệu thiếu vitamin A như: quáng gà, khô lòng trắng mắt… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và kịp thời uống bổ sung vitamin A. Việc này giúp phòng tránh mù lòa hoặc các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Tuy nhiên, không chỉ bổ sung mỗi vitamin A là đủ mà cần phải đảm bảo cơ thể trẻ không bị thiếu các vitamin và khoáng chất khác như kẽm, sắt, i-ốt,… bằng cách:

– Tăng cường bổ sung vi chất vào thực phẩm: sử dụng muối ăn i-ốt, bột mì chứa vi chất sắt, kẽm,…

– Bổ sung vi chất dạng thuốc định kỳ theo Chiến dịch hướng dẫn bổ sung của Bộ Y tế.

– Hưởng ứng và thực hiện Thông điệp Ngày Vi chất dinh dưỡng.

Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Tăng Kim Duyên

Cử nhân Dinh dưỡng

Khoa Dinh dưỡng

Tài liệu tham khảo

[1] Viện Dinh dưỡng

[2] Sách Dinh dưỡng học – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch