222

KHOA KHÚC XẠ KHÁM KHÚC XẠ HỌC ĐƯỜNG CHO HỌC SINH CÀ MAU

Nhằm phát hiện sớm những trường hợp học sinh bị tật khúc xạ, cải thiện thị lực cho các em học sinh, Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Bệnh viện Mắt – Da liễu Cà Mau tổ chức khám sàng lọc đo thị lực, đo khám tật khúc xạ và khám mắt cho khoảng 3.800 học sinh khu vực TP Cà Mau. Hoạt động này do Quỹ chăm sóc mắt Hà Lan (Eye Care Foundation) tại Việt Nam và Công ty Rohto – Mentholatum (Việt Nam) tài trợ.

Hơn 900 học sinh Trường Tiểu học Quang Trung đã được các y, bác sĩ của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh khám sàng lọc, đo thị lực, khám khúc xạ.

Bác sĩ Ngô Thanh Tân, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt – Da liễu Cà Mau, cho biết, hoạt động khám mắt có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi qua việc khám sàng lọc, các bác sĩ sẽ phát hiện sớm những trường hợp học sinh bị tật khúc xạ. Nếu các cháu có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tặng kính miễn phí. Riêng với trường hợp khác, các bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn kính để gia đình các cháu tự mua hoặc đến Bệnh viện Mắt – Da liễu Cà Mau cắt kính.

Các KTV Khúc xạ và bác sĩ Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh đo thị lực – khám khúc xạ cho các em học sinh Trường Tiểu học Quang Trung, Phường 5, TP Cà Mau.

Theo thầy Lý Ngọc Hiển, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, ý nghĩa mà chương trình mang lại vô cùng quan trọng, giúp giáo viên chủ nhiệm, học sinh hiểu đúng, hiểu đủ về các bệnh liên quan đến mắt. Từ đó, trong các tiết học giáo dục kỹ năng sống, nhà trường đề nghị giáo viên lồng ghép tuyên truyền để mỗi em học sinh hiểu các bệnh liên quan đến mắt cũng như cách chăm sóc mắt. “Bộ phận y tế của nhà trường, từng giáo viên chủ nhiệm thông qua các tiết học, những buổi sinh hoạt sẽ tuyên truyền những tác hại của việc xem ti-vi, xem điện thoại hay xem máy tính quá nhiều, từ đó ảnh hưởng đến mắt. Học sinh cũng sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, về truyền thông lại với phụ huynh của mình để từ đó nâng cao nhận thức về chăm sóc mắt cho học sinh, cha mẹ học sinh”, thầy Lý Ngọc Hiển cho biết thêm.

Cùng với hoạt động khám sàng lọc, đo khúc xạ, ngay dưới sân trường, các tình nguyện viên còn truyền thông để học sinh thấy được rằng các em thật hạnh phúc khi còn nhìn thấy ánh sáng, bởi đôi mắt vô cùng quan trọng, các em hiểu thêm và tự bảo vệ đôi mắt của mình. Bên cạnh đó là nâng cao nhận thức của chính học sinh, phụ huynh học sinh về việc tránh xem điện thoại, xem ti-vi thường xuyên, giữ khoảng cách đúng. “Với những cháu đã bị tật khúc xạ như cận, viễn, loạn, phụ huynh càng phải đưa con em của mình đi khám thường xuyên. Nhiều phụ huynh có quan niệm sai lầm là đeo kính bị tăng độ. Thực tế là duy trì việc đeo kính thường xuyên cho trẻ vô cùng quan trọng, trừ khi đi ngủ, tắm, rửa mặt; vệ sinh, ăn uống phù hợp và nhất là hạn chế, cấm tuyệt đối trẻ nhỏ xem điện thoại hay xem ti-vi thường xuyên”, Bác sĩ Ngô Thanh Tân khuyến cáo.

Can thiệp sớm tại trường học được xem là rất hiệu quả để quản lý các bệnh về mắt, tình trạng suy giảm thị lực, đặc biệt là tật khúc xạ ở học sinh. Từ các hoạt động truyền thông trong nhà trường, phát hiện sớm các bệnh về mắt và giảm thị lực bằng bảng thị lực thu nhỏ, lập danh sách học sinh giảm thị lực và có bệnh về mắt.

Bên cạnh đó, mục tiêu của hoạt động khám mắt học đường chính là giảm tình trạng tật khúc xạ chưa được chỉnh kính ở trẻ em thông qua dịch vụ khám sàng lọc và xác định tật khúc xạ và hỗ trợ cấp kính cho những gia đình có thu nhập thấp. Cải thiện kiến thức của giáo viên, học sinh, cha mẹ và người dân trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc giữ thị lực tốt cho tất cả các thành viên trong gia đình.

“Cùng với hoạt động chuyên môn khám mắt, đo mắt, chúng tôi còn lồng ghép các hoạt động truyền thông nhằm giúp các em có kiến thức cơ bản để ngăn ngừa, phòng tránh tật khúc xạ và bệnh về mắt. Ðồng thời, thông qua hoạt động này, chúng tôi cũng muốn truyền tải đến các em học sinh, các bậc phụ huynh những kiến thức cơ bản trong việc chủ động chăm sóc, bảo vệ đôi mắt để đảm bảo cho học tập, sinh hoạt của các em”, Bác sĩ Ngô Thanh Tân nhắn nhủ./.

NGUỒN TIN VÀ ẢNH: Thanh Phương – Báo Cà mau online