586

KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG TUA HAI (26/01/1960 – 26/01/2020)

I. BỐI CẢNH, DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ

1. Bối cảnh lịch sử
Sau năm 1954, Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tiến hành cuộc chiến tranh một phía với quy mô ngày càng ác liệt. Chúng lê máy chém khắp miền Nam, giết hại đồng bào, cán bộ, đảng viên mà không cần xét xử. Các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam ở miền Nam đã bị trấn áp bằng các chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, khiến cho lực lượng yêu nước và cách mạng ở miền Nam bị tổn thất nặng nề.
Trong bối cảnh trên, tháng 01/1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) họp đề ra nhiệm vụ, đường lối cách mạng chung của cả nước và đường lối của cách mạng miền Nam. Hội nghị khẳng định con đường cách mạng miền Nam là: “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.
– Thực hiện chủ trương trên, tháng 01/1960, Hội nghị cán bộ quân sự miền Đông Nam Bộ họp bàn phương án thực hiện Nghị quyết Trung ương 15. Xứ ủy Nam Bộ quyết định chọn căn cứ Tua Hai là mục tiêu tiến công. Đây là căn cứ mạnh của địch, diệt được căn cứ này sẽ có ý nghĩa là một trận đánh then chốt, giáng cho địch bất ngờ và choáng váng về tinh thần, làm xoay chuyển tình thế phòng thủ của địch, tạo quả đấm quân sự có sức nặng để cổ vũ phong trào Đồng khởi trong toàn miền.

2. Diễn biến và kết quả
Tua Hai (tháp canh cũ của quân đội Pháp) thuộc Trảng Sụp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cách thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) 7km về phía Bắc, nằm trên đường 22. Năm 1956, chính quyền Ngụy xây dựng thành căn cứ quân sự lớn lấy tên thành Nguyễn Thái Học, là căn cứ Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 ngụy, đồng thời trung tâm huấn luyện quân sự của địch, trang bị đầy đủ vũ khí và kho vũ khí lớn; khuôn viên được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Về phía ta, sau khi có quyết định chọn căn cứ Tua Hai làm mục tiêu tiến công, Xứ ủy Nam Bộ, Bộ Chỉ huy Quân sự miền Đông phối hợp với Tỉnh ủy Tây Ninh hạ quyết tâm đánh và phải thắng. Để thực hiện mục tiêu, Bộ Chỉ huy Quân sự miền Đông đã quyết định thành lập Ban chỉ huy trận đánh có các đồng chí: Nguyễn Hữu Xuyến – Chỉ huy trưởng, Tư lệnh chiến trường; Mai Chí Thọ – Chính trị viên, Bí thư Đảng uỷ; Lê Thanh – Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng; Võ Cương – Chỉ huy phó.
Phương án tác chiến được Ban Chỉ huy xác định gồm 4 mũi, trận đánh phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, bất ngờ, khai thác tối đa những sơ hở của địch. Kết hợp chặt chẽ đặc công, xung kích với bộ binh ngay loạt đạn mở màn, để làm tê liệt, vô hiệu hoá bộ phận chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn ngụy. Các mũi tấn công đánh chia cắt địch không cho các đơn vị ngụy tiếp cận với kho vũ khí của chúng bằng bất cứ giá nào; kịp thời chiếm lĩnh kho vũ khí và nhanh chóng vận chuyển vũ khí về căn cứ của ta để phân tán, cất giấu, phòng địch truy kích chiếm đoạt lại vũ khí.
Về lực lượng tham gia trận đánh: có 3 đại đội bộ binh (C60, C59, C70), một đại đội đặc công (C80) thuộc Ban Quân sự miền Đông và cùng với lực lượng bộ đội Tây Ninh, dân quân du kích. Trận đánh có sự hỗ trợ quan trọng, mang tính quyết định của chi bộ Đảng mật trong căn cứ Tua Hai của Tỉnh uỷ Tây Ninh xây dựng và phát triển từ các cơ sở nội tuyến do Ban Binh vận Miền giới thiệu. Lực lượng dân công hoả tuyến, tải thương, tải đạn của Tỉnh ủy Tây Ninh cũng được huy động tham gia (300 dân công, hơn 42 đảng viên, thanh niên, quần chúng), các lực lượng ở Chiến khu D cơ động đánh chi khu và huyện lỵ Đồng Xoài (tỉnh Sông Bé cũ, nay thuộc tỉnh Bình Phước) để thu hút địch, tạo điều kiện cho các lực lượng của ta ở Tây Ninh tập trung đánh vào trọng tâm Tua Hai để giành thắng lợi.
Nhằm vào đêm 28 Tết (đêm ngày 25 rạng ngày 26 /01/1960), đúng 0 giờ 30 phút, ngày 26/01/1960, lệnh tiến công căn cứ Tua Hai bắt đầu; Mũi 1 đánh vào sở chỉ huy Trung đoàn 32 ngụy; Mũi 2 đánh diệt Tiểu đoàn 1 rồi nhanh chóng chiếm kho vũ khí của địch; Mũi 3 đánh vào Tiểu đoàn 3, sau đó phát triển cùng lực lượng mũi 2 đánh Tiểu đoàn 2; Mũi 4 đánh vào khu quân xa và đại đội trọng pháo. Ngoài ra còn trung đội bộ đội địa phương tỉnh Tây Ninh và một trung đội công binh của Miền (bố trí ở phía Bắc đường 22).
Trước sức mạnh tấn công của ta bằng bộc phá, lựu đạn, thủ pháo và bộ binh; địch bị đánh bất ngờ, hoảng loạn không kịp đối phó, nhanh chóng tan rã. Sau 3 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa; trận đánh diễn ra đúng như dự kiến. Kết quả, ta tiêu diệt được Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2, làm tiêu hao Tiểu đoàn 3, bắt sống và giáo dục thả tại chỗ hơn 500 tù binh và thu hơn 1.000 súng các loại, phá huỷ nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.
Tua Hai là loại hình đồng khởi tiêu biểu của các tỉnh miền Đông Nam Bộ; trận đánh lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ tấn công vào lực lượng chủ lực của địch, diệt được nhiều địch, thu nhiều vũ khí; huy động lực lượng vũ trang đông nhất; có sự phối hợp của lực lượng vũ trang, quần chúng địa phương và các vùng xung quanh.
Sau chiến thắng Tua Hai đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong toàn tỉnh Tây Ninh. Quân và dân tỉnh Tây Ninh tiếp tục đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh vận; quét sạch bộ máy kìm kẹp của địch ở nông thôn. Tháng 7/1960, đã gỡ 30 đồn trong tổng số 60 đồn bốt của địch; giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng về cơ bản 19 xã trong tổng số 49 xã của tỉnh, diệt và làm tan rã hầu hết tề xã, ấp và trên 70% lực lượng bảo an, dân vệ. Đặc biệt, các lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (thành lập Tiểu đoàn 14, Đại đội 40, 41 của huyện Châu Thành, Bến cầu, Đại đội 3 của huyện Dương Minh Châu…), riêng Tòa Thánh tổ chức đội vũ trang tuyên truyền, có 44 xã/49 xã thành lập đội du kích.
Chiến thắng Tua Hai không chỉ trực tiếp tháo ngòi nổ cho phong trào đồng khởi của quân và dân Tây Ninh mà còn cổ vũ mạnh mẽ quân dân các tỉnh miền Đông vùng lên dùng bạo lực vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền làm chủ về tay nhân dân như: Thủ Dầu Một (cũ) nổi dậy khởi nghĩa ngày 25/02/1960, đã làm chủ hơn 40 ấp của 25 xã và 10 làng công nhân cao su; diệt hơn 100 tên địch, thu khoảng 300 vũ khí, bức rút hàng chục đồn bốt. Ngày 30/3/1960, Đại đội 40 của tỉnh Bà Rịa phối hợp với công nhân cao su tiến công đồn điền cao su Ba Bình và nhiều quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh nổi dậy diệt ác, phá kìm giành quyền làm chủ. Đến tháng 3/1960, tại Biên Hòa, Sài Gòn – Gia Định chịu tác động từ Chiến thắng Tua Hai nhiều vùng nông thôn nhất tề đứng dậy phá bỏ bộ máy kìm kẹp của địch; đặc biệt nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn mở chiến dịch tiến công dư luận vào chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm.
Đến giữa năm 1960, Chiến thắng Tua Hai đã lan tỏa, tác động phát triển thành phong trào rộng khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, cần Thơ, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang đứng lên Đồng khởi; trong ba ngày (từ ngày 23/9 – 25/9/1960) Đồng khởi diễn ra ở tỉnh Tiền Giang và đợt hai của tỉnh Bến Tre.
Chiến thắng Tua Hai đã đạt yêu cầu về chính trị và quân sự do Xứ ủy Nam Bộ đề ra. Trận đánh Tua Hai gây chấn động lớn trong toàn miền, làm cho quân địch, lực lượng bảo an, dân vệ ở xã, ấp hoang mang, lo sợ; cổ vũ mạnh mẽ quần chúng đứng lên Đồng khởi.

II. Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CHIẾN THẮNG TUA HAI

1. Ý nghĩa lịch sử
– Chiến thắng Tua Hai khẳng định về đường lối, chủ trương đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Xứ ủy Nam Bộ, Bộ Chỉ huy Quân sự miền Đông. Đó là sự quán triệt sâu sắc, vận dụng Nghị quyết Trung ương 15 một cách khoa học, linh hoạt, chủ động của quân và dân ta, là tiến công quân sự kết hợp với binh vận, góp phần hình thành phương châm kết hợp với hai chân “chính trị và quân sự” và ba mũi “chính trị, quân sự và binh vận”.
– Chiến thắng Tua Hai là thể hiện ý chí, tinh thần chiến đấu quả cảm của Quân và nhân dân miền Đông Nam Bộ. Đề ra tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và mưu trí, nhạy bén, nắm bắt thời cơ trong chỉ đạo chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
– Chiến thắng Tua Hai là một trong những mốc son mở đầu cho phong trào Đồng khởi của tỉnh Tây Ninh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, góp phần củng cố niềm tin, sức mạnh của quân và dân ta trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

2. Bài học kinh nghiệm
Chiến tháng Tua Hai không chỉ góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của phong trào Đồng khởi các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu:
– Nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng; từ đó quán triệt sâu sắc, vận dụng linh hoạt, khoa học Nghị quyết của Đảng trong thực tiễn, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
– Đánh giá khách quan sự tương quan lực lượng địch và ta; xác định đúng mục tiêu, phương hướng chỉ đạo; nắm bắt thời cơ là cơ sở để quyết tâm tiến công đánh thắng trong bối cảnh phía địch mạnh hơn nhưng bị đánh bất ngờ, dồn dập.
– Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị và quần chúng để tạo thành lực lượng chiến đấu hùng hậu; bố trí lực lượng hợp lý cho các mũi đánh, các hướng tập trung diệt địch, đưa ra chủ trương và giải pháp phù hợp để giành chiến thắng.
– Tinh thần mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng chiến đấu, không ngại hy sinh gian khổ; quyết đánh, quyết thắng, vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG VÀ TINH THẦN CHIẾN THẮNG TUA HAI, QUYẾT TÂM XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC NGÀY CÀNG GIÀU ĐẸP

1. Những thành tựu đạt được trên quê hương Tây Ninh sau 60 năm chiến thắng Tua Hai
Phát huy hào khí Chiến thắng Tua Hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Tây Ninh cùng nhân dân cả nước tiếp tục tiến lên lần lượt đánh bại các chiến lược leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới của đất nước, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần Chiến thắng Tua Hai; quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, tập trung trí tuệ để xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; tạo sự đột phá để vươn lên, giành được nhiều thành tựu to lớn, đó là:
– Kinh tế tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hằng năm 11,92%; GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.727 USD, cao hơn mức trung bình của cả nước. Tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ chiếm đến 75% cơ cấu GRDP của tỉnh. Tổng thu ngân sách của tỉnh năm 2018 đạt 7.663 tỷ đồng, có 11 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút đầu tư tổng cộng 833 dự án (314 dự án đầu tư nước ngoài và 519 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký hơn 6,6 tỷ USD và gần 74.000 tỷ đồng, năm trong nhóm các địa phương khá trong cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) không ngừng tăng lên về dự án, vốn đăng ký, vốn thực hiện. Kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) có xu hướng tăng dần trong nhóm khá của cả nước (xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố). Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực (có 36/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 45% số xã toàn tỉnh). Tỉnh triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp đột phá để phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển du lịch và công nghệ thông tin; củng cố, phát triển nguồn nhân lực ở các lĩnh vực của các địa phương còn yếu và thiếu.
– Các lĩnh vực văn hoá – xã hội đạt nhiều thành tựu quan trọng; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm. Năm 2018 đạt 6,7 bác sĩ/vạn dân, 21,1 giường bệnh/vạn dân và 100% xã có bác sỹ và nhân viên y tế cộng đồng. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) còn 11,4%, tuổi thọ trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh đạt 74,69 tuổi. Lĩnh vực giáo dục – đào tạo được quan tâm (năm 2005 đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, năm 2006 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở). Tỷ lệ lao động được đào tạo, dạy nghề chiếm khoảng 70%. Chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở tiếp tục được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tốt. Các chính sách xã hội, chương trình Quốc gia về giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ và có hiệu quả (năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,54%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,9%). Tỉnh đã giải quyết cơ bản nhà ở cho gia đình chính sách và hộ nghèo.
– Công tác quốc phòng, an ninh luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Quan hệ hợp tác, hữu nghị với các địa phương có chung đường biên giới của Vương quốc Campuchia được duy trì và không ngừng mở rộng. Tỉnh đã phân giới được khoảng 228/240 km (đạt 95%), xác định được 94/101 vị trí, xây dựng hoàn chỉnh 102/109 cột mốc chính, hoàn thiện 218 mốc phân giới, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam – Campuchia hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
– Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt được kết quả rõ nét. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng không ngừng được nâng lên. Đảng bộ luôn luôn đoàn kết, thống nhất, đổi mới phong cách làm việc sáng tạo, năng động đã tạo sự lan toả mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ và củng cố niềm tin đối với nhân dân. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu luôn được coi trọng và đều đạt được những kết quả tích cực góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác tổ chức cán bộ bảo đảm công khai, dân chủ. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng được tăng cường.
– Phát huy tinh thần cách mạng của Chiến thẳng Tua Hai, thấm thía giá trị của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước. Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá của các thế lực thù địch. Tỉnh đã triển khai quyết liệt công tác đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xấu, độc, đặc biệt là trên Internet và mạng xã hội. Xây dựng được lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội và đấu tranh phản bác thông tin sai trái, thù địch gồm hơn 9.200 người; điều hành gần 600 trang, nhóm mạng xã hội với hơn 108.000 thành viên. Các lực lượng này đã đăng tải hơn 12.500 bài viết tuyên truyền, phản bác; yêu cầu Facebook gỡ bỏ hơn 200 trang Facebook cá nhân có nội dung xấu độc, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta…, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá về tư tưởng, chính trị trong nội bộ.
– Công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội đã phát huy tốt vai trò đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Dân chủ cơ sở tiếp tục được mở rộng và phát huy. Hoạt động của các cấp chính quyền có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Sức mạnh tổng hợp của khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận cao trong nhân dân và của hệ thống chính trị là cơ sở, nền tảng để tỉnh tiếp tục bứt phá vươn lên phát triển nhanh, toàn diện trong thời gian tới.

2. Phát huy tinh thần Chiến thắng Tua Hai, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2015 – 2020; năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm; năm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc… Tình hình quốc tế và trong nước tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực phấn đấu rất cao, quyết tâm rất lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, mà trọng tâm là:
– Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
– Tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
– Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
– Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người, bảo đảm an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
– Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
– Tiếp tục cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành và thực thi pháp luật.
– Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.
– Củng cố Quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở pháp luật quốc tế.
– Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
60 năm trôi qua, Chiến thắng Tua Hai mãi là một dấu son chói lọi trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức phấn đấu, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ban Tuyên Giáo Trung Ương – Tỉnh Ủy Tây Ninh