620

Laser YAG cắt mống chu biên phòng ngừa glaucoma

GÓC HẸP LÀ GÌ?

Áp lực trong mắt (nhãn áp) được duy trì ở mức bình thường nhờ dòng dịch trong mắt. Dòng dịch này chảy từ phía sau mống mắt, đi qua con ngươi và ra khỏi mắt qua “góc tiền phòng” – là một khoảng trống giữa rìa đồng tử và phần trong suốt trước mắt (giác mạc). Trên một số người, góc tiền phòng có cấu trúc hẹp hơn và có thể làm cản trở dòng dịch thoát ra khỏi mắt, gây tăng nhãn áp. Tình trạng này có thể gây đau đớn và tổn thương vĩnh viễn đến mắt, làm giảm thị lực không thể phục hồi.

LASER YAG CẮT MỐNG CHU BIÊN LÀ GÌ?

Laser Yag cắt mống chu biên là một thủ thuật dùng tia laser để cắt một lỗ nhỏ trên mống mắt (tròng đen). Lỗ thủng này giúp dịch trong mắt di chuyển tự do hơn và ngăn ngừa tình trạng tăng nhãn áp đột ngột. Thông thường, sẽ cần điều trị cùng lúc cả hai mắt. Thủ thuật laser này không có hiệu quả trên tất cả bệnh nhân. Đáp ứng của từng bệnh nhân phụ thuộc vào loại glaucoma và cấu trúc riêng biệt của đường thoát lưu dịch ở từng người.

Related image

ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI ĐIỀU TRỊ LASER YAG CẮT MỐNG CHU BIÊN?

Bạn sẽ được nhỏ thuốc khoảng 1 giờ trước khi thực hiện laser. Thuốc này giúp đồng tử co nhỏ hơn để giúp thực hiện laser dễ dàng và an toàn hơn. Tuy nhiên, thuốc có thể gây nhức đầu nhẹ hoặc thu hẹp thị trường tạm thời. Triệu chứng này sẽ biến mất sau vài giờ. Ngay trước khi thực hiện laser, bạn sẽ được nhỏ thuốc tê để giảm cảm giác đau.

Bác sĩ sẽ đặt một dụng cụ đặc biệt lên mắt bạn để tiến hành laser. Máy laser có bề ngoài tương tự như máy sinh hiển vi dùng để thăm khám khi bạn đến khám mắt. Khi tiến hành sẽ có tiếng động nhỏ và chớp sáng tương tự ánh sáng đèn của máy chụp ảnh. Hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy quá trình thực hiện thủ thuật dễ chịu và không đau. Một số người có thể cảm thấy hơi căng tức trong quá trình thực hiện laser. Tùy vào từng bệnh nhân, thủ thuật này có thể mất khoảng mười lăm phút. Sau khi thực hiện laser, bạn sẽ cần dùng thuốc nhỏ từ một đến hai tuần. Trong hầu hết trường hợp, bạn cần tiếp tục dùng các thuốc hạ nhãn áp điều trị glaucoma trước đó, trừ khi bác sĩ điều trị chỉ định khác.

CÁC NGUY CƠ CÓ THỂ XẢY RA

Đây là một thủ thuật an toàn và hiệu quả, tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đều đáp ứng tốt. Đáp ứng của bạn tùy thuộc vào tình trạng glaucoma góc hẹp và cấu trúc của mắt bạn. Một số nguy cơ có thể xuất hiện sau laser như:

  • Tăng nhãn áp: đây là nguy cơ thường gặp nhất. Nếu xảy ra, bạn sẽ cần phải dùng thuốc để giảm nhãn áp. Rất hiếm khi nhãn áp tăng quá cao và không đáp ứng với thuốc. Trong trường hợp đó, bạn sẽ cần can thiệp phẫu thuật để giảm nhãn áp. Tuy nhiên, biến chứng này rất hiếm gặp.
  • Nhìn mờ: tình trạng nhìn mờ thường xuất hiện trong vòng vài giờ và sau đó tự biến mất.
  • Viêm tại mắt: đây là phản ứng bình thường của cơ thể sau khi can thiệp thủ thuật/phẫu thuật. Tình trạng viêm được kiểm soát bằng thuốc nhỏ sau laser và thường sẽ hết trong vòng một tuần.
  • Chảy máu: thông thường sẽ có chảy máu với lượng ít, tuy nhiên một số trường hợp hiếm có thể chảy máu nhiều và gây giảm thị lực. Nếu thị lực của bạn vẫn tiếp tục mờ kéo dài trong vài ngày, bạn cần tái khám ngay để kiểm tra và điều trị.
  • Chỗ laser không thủng hoặc bít lại sau đó: thường do mống mắt quá dày hoặc do chảy máu, lúc này, bạn sẽ cần thực hiện laser thêm một lần nữa theo lịch hẹn của bác sĩ.

Một số biến chứng rất hiếm khác như đục thủy tinh thể, song thị, dính góc, dính mống, tổn thương giác mạc hoặc võng mạc sẽ được phát hiện nhờ tái khám đúng hẹn sau thực hiện laser.

Bệnh nhân có nhu cầu thực hiện laser YAG cắt mống chu biên phòng ngừa glaucoma xin vui lòng liên hệ Khoa Glaucoma – Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh.