262

LỜI BÁC DẠY VỀ TẾT TRỒNG CÂY

“Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969. Ảnh tư liệu

Từ lâu, câu thơ của Bác Hồ kính yêu đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam. Mỗi độ Xuân về, “Tết trồng cây” thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trồng cây, gây rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Truyền thống đó đã mang lại giá trị thực tiễn, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây”, đăng trên báo Nhân dân với bút danh Trần Lực, kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” trong cả nước, trở thành một phong tục đẹp, thành một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trong những năm qua, phong trào trồng cây trong những ngày Tết đã đạt được những kết quả hết sức to lớn. Công tác bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tết Nguyên Đán Canh Tý 1960 là Tết đầu tiên nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là Tết mở đầu một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong mỗi dịp vui Tết đón Xuân. Các phong trào: “Tết trồng cây”, “Tết trồng cây vì miền Nam ruột thịt”, “Tết trồng cây đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, rồi đến ngày nay chúng ra có “Tết trồng cây làm theo lời Bác”, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”… là những dấu ấn đậm nét về quyết tâm làm theo lời Bác của nhân dân ta.

Chiều ngày 11/1/1960, trên công trường Công viên Thống Nhất hàng ngàn người từ các đơn vị ở Thủ đô Hà Nội đang hăng hái thi đua lao động xã hội chủ nghĩa, làm cho công viên thêm xanh, sạch, đẹp hơn. Những luống hoa và hàng trăm cây xanh được trồng mới, tiếng cười nói, tiếng cuốc xẻng vang cả một vùng. Bỗng có tiếng reo lên:

– Bác Hồ! Bác Hồ đến!

Hàng ngàn ánh mắt đổ dồn về phía cổng vào, Bác Hồ trong bộ quần áo màu nâu sẫm giản dị, nhanh nhẹn bước xuống xe đi vào trong công viên. Bác tươi cười, giơ tay vẫy chào mọi người. Như có một sức hấp dẫn và sự lôi cuốn kỳ lạ, không ai bảo ai, mọi người trong công viên chạy ùa về phía Bác. Bác đến bên một hố đất rộng, một cây đa nhỏ được đặt xuống hố, Bác nhanh nhẹn xắn tay áo, xúc từng xẻng đất vun vào gốc cây đa trong tiếng vỗ tay cổ vũ của mọi người.

Trồng cây xong, Bác ngồi xuống mô đất nhỏ bên gốc cây vừa trồng, nhìn Bác giản dị và gần gũi như một lão nông. Bác giơ tay ra hiệu cho mọi người cùng ngồi, ai cũng náo nức muốn được gần Bác. Bác thân mật trò chuyện với cán bộ công nhân đang thi công trên công trường. Người nói: “Chúng ta ra sức thi đua làm tốt việc xây dựng vườn hoa. Rồi đây công viên hoàn thành, chiều chiều hay ngày Chủ nhật các cô, các chú ra công viên hóng mát xem hoa, ngắm cây cỏ, vui chơi giải trí để rồi lại bắt tay công tác, sản xuất hăng hái hơn…”.

Những năm đế quốc Mỹ dùng chất độc hóa học và bom cháy hủy diệt cây cối và những cánh rừng ở miền Nam, Bác đã kêu gọi nhân dân miền Bắc trồng cây vì miền Nam ruột thịt: “… Trong lúc giặc Mỹ rải chất độc màu da cam phá hoại cây cối núi rừng miền Nam, thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng … Ta trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa.”

Sáng ngày 31/1/1965, huyện Đông Anh – Hà Nội tổ chức Tết trồng cây trên toàn tuyến quốc lộ số 3 mà trọng điểm là xã Đông Hội. Mọi người đang hăng hái lao động, người đào hố, người đặt cây… thì Bác Hồ xuất hiện. Nhìn thấy Bác đến bất ngờ, ai cũng sung sướng, xúc động. Người căn dặn: “Các cụ, các cô, các chú trồng cây nào, phải trông nom, tưới tắm cây ấy cho thật tốt. Các cháu nhỏ chăn trâu không được làm hư hại cây…”. Rồi Bác xắn quần cao, đi đến một cái hố cây đã đào sẵn. Bác đặt cây đa xuống hố và sửa cho cây đa đứng thẳng sau đó xúc từng xẻng đất đắp vào gốc cây. Nhìn những lát xẻng xúc đất nhanh nhẹn của Bác, mọi người ai cũng xúc động và thầm mong cho Bác luôn khỏe mạnh.

Mùa Xuân năm 1969, sức khỏe của Bác yếu nhiều, việc bố trí để Bác trồng cây ở một địa phương nào đó theo ý của Bác là một vấn đề hết sức khó khăn. Những người phục vụ Bác rất lo lắng nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây. Nhưng Bác rất kiên quyết. Người nói: “Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích…”. Sau đó, Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) là nơi có phong trào trồng cây tốt.

Theo kế hoạch đã chuẩn bị, Bác đến địa điểm trồng cây. Đông đảo các đại biểu, các tầng lớp nhân dân đã đứng trên những đồi cây đón Bác. Bác trực tiếp trồng thêm một cây đa. Nhìn những xẻng đất, bình nước Bác tưới mát cho cây, mọi người ai cũng xúc động. Trồng cây xong, Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn và thân mật hỏi chuyện và chúc Tết mọi người. Bác căn dặn: “Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Bác không chỉ nêu rõ giá trị của việc trồng cây, gây rừng mà còn chỉ rõ những hậu quả và thiệt hại khi chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý: “Ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” và “nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lụt và hạn hán”. Chính vì thế mà Bác ví rừng là vàng và căn dặn: “Chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Đau xót trước cảnh rừng bị tàn phá, bị khai thác bừa bãi, Bác nói: “Những cây gỗ to bị chặt để đốt hay cho mục nát không khác gì đồng bào mình tự đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Và rồi Bác kêu gọi nhân dân ta “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng… Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”.

Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

“Tết trồng cây” là một nét đẹp truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam. Kể từ ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây đến nay đã hơn 60 năm nhưng ý nghĩa sâu sắc của Tết đặc biệt này vẫn còn nguyên giá trị, mỗi người trong chúng ta sẽ giữ mãi truyền thống tốt đẹp về Tết trồng cây của Người. Mỗi cái cây được trồng sẽ đem đến màu xanh cho cả xã hội, những thế kỷ xanh sẽ mãi nối tiếp nhau góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường./.