276

LỢI ÍCH CỦA VẮC XIN LUÔN LỚN HƠN NHỮNG SỰ CỐ BẤT LỢI SAU TIÊM CHỦNG

Lợi ích lớn nhất của vắc xin chính là nếu nhiễm SARS-CoV-2 thì sẽ mắc bệnh nhẹ. Dù có vắc xin vẫn phải thực hiện phòng bệnh theo 5K.
Sáng ngày 6/3, Bộ Y tế tổ chức tập huấn đối với tất cả các đơn vị tiêm chủng trên toàn quốc trong vấn đề tiếp nhận, sử dụng, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng … Dự kiến đến ngày 8/3, những liều vắc xin đầu tiên sẽ được tiêm trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân COVID-19, các vùng có dịch, các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19…
Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin…
Theo GS.TS.BS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đây là chiến dịch tiêm chủng lớn dự kiến 100 triệu liều cho năm 2021. Bộ Y tế sẽ huy động toàn Ngành y tế triển khai chiến dịch tiêm chủng này. Bộ sẽ triển khai tiêm chủng ngay khi các liều vắc xin tiếp theo về tới Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý vắc xin mới của AstraZeneca có hiệu quả là 76% với mũi tiêm thứ nhất và 81% sau khi tiêm mũi hai. Do đó dù đã tiêm chủng chúng ta vẫn cần thực hiện phòng bệnh theo 5K. Bên cạnh đó lợi ích lớn nhất của vắc xin chính là giúp cá nhân được tiêm nếu nhiễm SARS-CoV-2 sẽ mắc bệnh nhẹ, hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh nặng hoặc tử vong.
Bất cứ vắc xin nào cũng có những sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Do đó khi triển khai chiến dịch các cơ sở tiêm chủng sẽ tổ chức, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng. Các cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng… thực hiện giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hệ thống giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng bao gồm các đơn vị thực hiện và các đơn vị phối hợp từ Trung ương đến địa phương.
Lợi ích của vắc xin luôn lớn hơn những sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Ngành y tế chuẩn bị tổ chức an toàn trong tiêm chủng cũng như phòng lây nhiễm Covid-19 đúng quy định khi tổ chức chiến dịch tiêm chủng này.
Hãy nhớ phòng bệnh bằng 5K + vắc xin.