918

PHẪU THUẬT PHACO ĐIỀU TRỊ ĐỤC THỦY TINH THỂ PHẢI “CẨN TRỌNG TỪNG LY, TỪNG TÍ”

Trong khuôn khổ Đại hội Hội Nhãn khoa TP.HCM vừa tổ chức ngày 10/8, các chuyên gia hàng đầu đã giới thiệu nghiên cứu về xu hướng sử dụng kính nội nhãn, cập nhật các kiến thức mới trong phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể; đặc biệt đưa ra hàng loạt khuyến cáo quan trọng đối với các “tay mổ” Phaco.

Không nên mổ 2 mắt cùng lúc

Theo BSCKII Nguyễn Minh Khải- Giám đốc BV Mắt TP.HCM, phẫu thuật lấy đục thể thủy tinh bằng phương pháp tán nhuyễn thể thủy tinh bằng sóng siêu âm (Phaco) được áp dụng rộng rãi cách nay 40 năm. Ngoài chức năng đem lại ánh sáng, phẫu thuật Phaco kèm đặt kính nội nhãn, còn gọi là thủy tinh thể nhân tạo (IOLs), giúp bệnh nhân lấy lại thị lực hoàn hảo nhất có thể. Từ năm 1997, BV Mắt TP.HCM đã trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai ứng dụng kỹ thuật này (còn gọi là cườm khô).

BS.Nguyễn Minh Khải chia sẻ kinh nghiệm của mình

Khảo sát từ 2011 đến 2018 tại BV Mắt TP.HCM cho thấy, số ca phẫu thuật Phaco tăng nhanh và đều qua các năm. Cụ thể, từ 8.485 ca hồi năm 2011 tăng đến 25.475 ca năm 2015 và 52.964 ca trong năm 2018. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng số lượng kính nội nhãn. Khảo sát cũng cho thấy, kính nội nhãn đơn tiêu có mức giá dưới 1 triệu đồng chỉ có 1.238 ca sử dụng; còn kính nội nhãn dưới 3 triệu đồng có 93.771 ca sử dụng; riêng kính nội nhãn có mức giá từ 3-6 triệu đồng được sử dụng nhiều nhất là 133.906 ca. Đối với kính đa chức năng (đa tiêu) có mức giá trên 10 triệu đồng, chỉ hơn 300 ca sử dụng. “94% kính nội nhãn sử dụng trong phẫu thuật Phaco điều trị đục thủy tinh thể là kính đơn tiêu”- BS.Khải.

Được biết, kính nội nhãn sử dụng trong phẫu thuật Phaco điều trị đục thủy tinh thể là kính mềm, có thể bẻ cong. Vì vậy, vết mổ chỉ cần độ rộng 3mm. Với kính nội nhãn cứng có giá không quá 200.000 đồng, phải thực hiện phẫu thuật thông thường với vết mổ rộng hơn 6mm, rủi ro nhiễm trùng lớn và mức độ cải thiện thị lực không đáng kể. BS.Khải- người từng tham gia xuyên suốt cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM và trực tiếp thực hiện khoảng 300.000 ca phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể (trong tổng số 600.000 ca mà Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM thực hiện trong 25 năm qua) khuyến cáo rằng, trong phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể, không nên phẫu thuật cùng lúc 2 mắt, trừ trường hợp bất khả kháng.

Theo BS.Khải, cho dù là phẫu thuật thiện nguyện hay điều trị theo yêu cầu tại BV, việc phẫu thuật cùng lúc 2 mắt trong điều trị đục thủy tinh thể là hoàn toàn không nên. “Nói cho dễ hiểu, mình đi mua một chiếc xe để chạy, chưa biết xe này chạy ngon hay không thì hà cớ gì mua 2 chiếc cùng lúc. Mặt khác, rủi ro là vô vàn, bệnh nhân mổ 2 mắt nên không thấy đường, chỉ cần đi vấp té là tổn thương luôn cả hai cửa sổ tâm hồn…”- BS.Khải nhắn nhủ.

Trong hoạt động thiện nguyện, BS.Khải từng “liều” phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể cả 2 mắt, bởi bệnh nhân ở hải đảo, ở núi cao rất khó khăn trong đi lại, cơ hội tiếp tục điều trị gần như bằng không. “Thương quá phải mổ, có điều sau đó mình ăn không ngon, ngủ không yên, cứ phải liên lạc suốt đến khi bệnh nhân bình phục hẳn mới có thể thở phào nhẹ nhõm”- BS.Khải trải lòng.

Tư vấn quan trong bậc nhất

Trong phẫu thuật Phaco điều trị đục thủy tinh thể, trường hợp “nhân quá chín” hoặc “nhân Polar” là những “ca khó” (bệnh nhân mất thị lực gần như hoàn toàn), đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề cao, kinh nghiệm dày dặn. Ở khu vực phía Nam, TS-BS.Nguyễn Quốc Toản được xem là “cao thủ” xử lý đục thủy tinh thể nhân quá chín. Còn BSCKII Võ Thị Chinh Nga chuyên xử lý đục thủy tinh thể nhân Polar.

TS-BS.Nguyễn Quốc Toản chia sẻ kinh nghiệm xử lý ca khó “nhân chín”

Trong buổi chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên trẻ thuộc Hội Nhãn khoa TP.HCM, hai chuyên gia trên vừa hướng dẫn cập nhật kỹ thuật mới; vừa thao tác kỹ năng, hướng xử trí các “biến cố” ngoài ý muốn khi phẫu thuật; đồng thời còn đưa ra những khuyến cáo trước phẫu liên quan đến tư vấn, lập kế hoạch phẫu thuật- mà theo các chuyên gia là “đặc biệt quan trọng”.

Theo TS-BS.Nguyễn Quốc Toản, trước là an toàn cho bệnh nhân, sau là an toàn cho chính nhân viên y tế và BV. Bởi, trong mọi trường hợp phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể, đều cần phải khám và tư vấn hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng. “Điều này còn đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân đục thủy tinh thể nhân quá chín. Nhỏ giãn đồng tử để khám kỹ trước mổ và tư vấn mọi vấn đề liên quan, từ chuyên môn kỹ thuật, mức độ cải thiện thị lực dự kiến, chi phí hoàn tất quá trình điều trị để đạt hiệu quả như dự kiến, như mong muốn… là quan trọng nhất”- BS.Toản nhấn mạnh.

Còn theo BSCKII Võ Thị Chinh Nga, đối với bệnh nhân đục thủy tinh thể nhân Polar phải nhỏ giãn đồng tử và khám với Slit lamp, đồng thời soi FO nếu độ đục cho phép. Ngoài ra, bệnh nhân còn cần được so sánh thị lực với độ đục (thủy tinh thể), siêu âm B, đo các chỉ số sinh trắc… “Riêng với bệnh nhân đục thủy tinh thể cực sau, bác sĩ chuyên khoa mắt cần phải giải thích cặn kẽ về độ khó, có thể phải mổ 2 lần, thời gian mổ lâu, có thể phải thay đổi loại kính nội nhãn…”- BS.Nga khuyến cáo.

Chuyên gia xử lý “nhân Polar” còn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chuẩn bị kế hoạch phẫu thuật đối với sự thành công của ca mổ. Theo đó, bệnh nhân đục thủy tinh thể nhân Polar cần được chụp AS-OCT (cắt lớp quang học tiền lâm sàng), chuẩn bị đầu cắt Vitrectomy bán bần và chất nhầy; đồng thời phải luôn chuẩn bị sẵn một kính nội nhãn loại 3 mảnh dự phòng…

Theo các chuyên gia Nhãn khoa, đôi mắt không chỉ là “cửa sổ tâm hồn”, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, dù rủi ro, biến cố trong phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể không uy hiếp tính mạng bệnh nhân, nhưng sẽ khiến cuộc sống tăm tối theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vì vậy, trước, trong và sau phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể đều phải “cẩn trọng từng ly, từng tí một”.

Nguồn

http://baobaohiemxahoi.vn/vi/tin-chi-tiet-phau-thuat-phaco-dieu-tri-duc-thuy-tinh-the-phai-can-trong-tung-ly-tung-ti-6b340410.aspx?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30&fbclid=IwAR1k7kVo0ClD79E9CehVIvyrk9H37QkD5DH6Z_f6ms6DPNHEzPz-lyhBUaM