25

Thông báo Chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6 – 35 tháng tuổi tại Bệnh viện Mắt đợt 2 năm 2024

Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo, tuy cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng nếu thiếu sẽ gây ra nhiều tác hại không mong muốn, đặc biệt ở trẻ em.

Vai trò của vitamin A

👉 Thiếu Vitamin A là tình trạng bệnh lý gây suy giảm một số chức năng của cơ thể bao gồm chức năng thị giác, tăng trưởng, biệt hóa tế bào, miễn dịch, sinh sản. Thiếu Vitamin A biểu hiện lâm sàng và tiền lâm sàng ở các mức độ nặng, trung bình, nhẹ đều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và được biểu hiện trên lâm sàng và cận lâm sàng như sau:

  • Khô mắt: Bao gồm tất cả các tổn thương bệnh lý ở mắt như tổn thương kết mạc, giác mạc, võng mạc.
  • Vitamin A (chỉ số retinol) huyết thanh thấp.

Nguyên nhân thiếu Vitamin A 

Do khẩu phẩn ăn thiếu Vitamin A: cơ thể không tự tổng hợp mà phải lấy từ các nguồn bên ngoàithông qua thực phẩm và thuốc, vì vậy trong một số trường hợp người bệnh tăng sử dụng Vitamin A như mắc các bệnh nhiễm khuẩn (sởi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp…), suy dinh dưỡng protein năng lượng, giảm khả năng hấp thu Vitamin A do các nguyên nhân khác nhau… sẽ dẫn đến việc cơ thể thiếu hụt loại vitamin này.

Trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi có nguy cơ cao thiếu Vitamin A, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển, tăng trưởng và tình trạng sức khỏe, việc bổ sung Vitamin A liều cao tại các tỉnh khó khăn, vùng mà trẻ em có khẩu phần ăn thiếu Vitamin A theo chiến dịch hàng năm là rất cấn thiết để bổ sung lượng Vitamin A cho cơ thể; bổ sung Vitamin A giúp làm giảm 23% tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Bổ sung vitamin A liều cao là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm phòng chống thiếu vitamin A ở trẻ em. Mỗi liều dự phòng có thể bảo vệ trẻ trong thời gian từ 4 – 6 tháng. Vì vậy, hãy đưa trẻ từ 6 – 35 tháng tuổi đến Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Mắt để được uống vitamin A liều cao dự phòng vào thời gian sau:

🔎Đối tượng: trẻ em từ 6 – 35 tháng tuổi chưa được bổ sung vitamin A đợt 1 hoặc bất kì thời điểm nào trong năm 2024

Thời gian: ngày 05 và ngày 06 tháng 12 năm 2024

📍Địa điểm: Khoa Dinh dưỡng – Tầng trệt khu A

Lưu ý: Tuyệt đối KHÔNG cho bà mẹ đang mang thai uống Vitamin A liều cao.

Một số vi chất khác cần thiết cho trẻ

Có hơn 90 loại vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, tuy nhiên chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến 6 loại vi chất thường thiếu ở trẻ bao gồm: vitamin A, sắt, kẽm, iod vitamin D và canxi.

🌱Sắt

  • Tạo huyết sắc tố: Thành phần chính của hemoglobin, vận chuyển oxy trong máu
  • Phát triển não bộ: Thiết yếu cho quá trình tạo myelin bao bọc dây thần kinh
  • Chuyển hóa năng lượng: Tham gia vào chu trình sản xuất ATP trong tế bào
  • Tăng trưởng: Cần thiết cho tổng hợp DNA và phân chia tế bào

🌱Kẽm

Kẽm tham gia vào hơn 300 phản ứng enzyme trong cơ thể:

  • Hệ miễn dịch: Kích thích sản xuất và hoạt động của tế bào lympho T
  • Tăng trưởng: Thiết yếu cho tổng hợp protein và DNA
  • Chức năng não: Tham gia vào quá trình truyền tín hiệu thần kinh
  • Vị giác và khứu giác: Duy trì chức năng cảm nhận mùi và vị

🌱Iod

  • Phát triển não: Thiết yếu cho sự phát triển não bộ thai nhi và trẻ nhỏ
  • Tăng trưởng: Điều hòa quá trình trao đổi chất và phát triển cơ thể
  • Nhận thức: Ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập và trí nhớ
  • Chức năng tuyến giáp: Sản xuất hormone T3 và T4

🌱Vitamin D

  • Hấp thu canxi: Tăng cường hấp thu canxi từ ruột
  • Phát triển xương: Kích thích tạo xương và khoáng hóa xương
  • Hệ miễn dịch: Điều hòa đáp ứng miễn dịch
  • Chức năng cơ: Duy trì sức mạnh cơ bắp và phối hợp vận động

🌱Canxi

  • Cấu trúc xương: Thành phần chính của xương và răng
  • Co cơ: Cần thiết cho quá trình co cơ và dẫn truyền thần kinh
  • Đông máu: Tham gia vào quá trình đông máu
  • Hoạt động tim: Điều hòa nhịp tim và huyết áp

Nhu cầu khuyến nghị các vi chất dinh dưỡng 

Nhu cầu khuyến nghị vitamin A, D, C theo tuổi

Nhu cầu khuyến nghị vitamin Canxi, Sắt, Kẽm theo tuổi

Đào Vân Anh

Cử nhân Dinh dưỡng, Khoa Dinh dưỡng

Tài liệu tham khảo 

[1] Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam. (2016). Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. NXB Y học.

[2] Đào Thị Yến Phi. (2020). Dinh dưỡng cộng đồng. NXB Y học.

[3] Viện Dinh dưỡng Quốc gia. (2021, April 26). Viện Dinh dưỡng Quốc Gia. Retrieved from http://viendinhduong.vn/vi/tin-tuc—su-kien-noi-bat/thong-cao-bao-chi-hoi-nghi-cong-bo-ket-qua-tong-dieu-tra-dinh-duong-2019-2020.html

[4] Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam. (2024). Hướng dẫn về tổ chức thực hiện bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi.