741

Tìm hiểu về bệnh Glaucoma

Bệnh Glaucoma là gì?

Dân gian còn gọi bệnh glaucoma là bệnh cườm nước hay bệnh thiên đầu thống. Đây là một nhóm bệnh có đặc trưng là tổn hại thần kinh thị giác. Nếu không điều trị, thần kinh thị giác sẽ bị hư hại nặng nề dẫn đến mù lòa. Điều nguy hiểm là tình trạng mù này thường không thể đảo ngược, nghĩa là bệnh nhân sẽ không thể phục hồi và bị mù vĩnh viễn. Chính vì vậy, bệnh nhân cần phải được khám sàng lọc và điều trị ở giai đoạn sớm.   


Hình ảnh thị trường bình thường-Tổn thương thị trường trong bệnh glaucoma

Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), glaucoma là nguyên nhân gây mù thứ hai trên thế giới, chiếm tỷ lệ 8%, và là nguyên nhân gây mù loà không hồi phục hàng đầu trên toàn thế giới. Năm 2020 trên thế giới sẽ có 79,6 triệu người bị glaucoma, trong đó bệnh nhân glaucoma người Châu Á chiếm 47%. Số người bị mù cả hai mắt do glaucoma được dự đoán là 5,3 triệu người vào năm 2020. Bệnh nhân gốc Á chiếm hơn phân nửa số lượng bệnh nhân glaucoma trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, theo điều tra dịch tễ tại 16 tỉnh thành về tình hình mù lòa có thể phòng tránh được của Viện Mắt trung ương và tổ chức Atlantic Philanthropies năm 2007, có 24.800 người bị mù cả hai mắt do glaucoma (nguyên nhân phổ biến thứ hai). Bệnh glaucoma, nhất là glaucoma góc mở với tiến triển bệnh từ từ, không triệu chứng, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ mù lòa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ở các nước phát triển, khoảng 50% số người bị bệnh Glaucoma không biết có bệnh do bệnh tiến triển rất thầm lặng ở giai đoạn đầu (không có triệu chứng cảnh báo hoặc có triệu chứng không rõ ràng). Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, con số này có thể tăng tới 90%.

Bệnh glaucoma có nhiều dạng. Một số có thể xảy ra do biến chứng của các bệnh mắt khác (glaucoma thứ phát), nhưng phần lớn không có nguyên nhân nào rõ ràng (glaucoma nguyên phát). Một số dạng bệnh glaucoma có thể xảy ra ngay sau khi sinh (bẩm sinh), hoặc trong giai đoạn nhũ nhi và chưa thành niên. Tuy nhiên  trong hầu hết các trường hợp bệnh glaucoma xuất hiện sau tuổi 40 và tỷ lệ bệnh gia tăng theo tuổi. Không có sự khác biệt rõ tỷ lệ mắc bệnh glaucoma giữa nam và nữ.

Bệnh glaucoma góc mở là loại thường gặp nhất và tiến triển âm thầm. Các triệu chứng của glaucoma góc mở bao gồm giảm thị lực từ từ, giảm thị lực khi vào nơi thiếu ánh sáng, đôi khi có nhức đầu, cảm giác nặng mắt khi làm việc nặng hoặc nhìn mờ như sương mù, thấy quầng xanh đỏ khi nhìn đèn

Hình ảnh tổn thương thị thần kinh trong Glaucoma góc mở

Bệnh glaucoma góc đóng thì phổ biến hơn ở những bệnh nhân gốc Á. Ở giai đoạn cấp tính, bệnh nhân đau mắt dữ dội, giảm hoặc mất thị lực nhanh chóng, cần điều trị cấp cứu. Trong khi đó, ở giai đoạn mãn tính, triệu chứng giống như bệnh glaucoma góc mở ở giai đoạn sớm, không có triệu chứng rõ ràng, đến giai đoạn muộn thì thu hẹp thị trường và giảm thị lực.

Có thể làm gì để bảo vệ thị lực?

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy cách tốt nhất để kiểm soát được bệnh glaucoma là bệnh cần phải được phát hiện sớm và điều trị sớm trước khi tình trạng mất thị lực trở nên trầm trọng. Việc điều trị hạ nhãn áp trong giai đoạn sớm sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và giúp bảo tồn thị lực.

Nếu ở trong nhóm nguy cơ cao (nhóm dễ mắc bệnh glaucoma) như: những người trên 60 tuổi, trong gia đình có người bị bệnh glaucoma, những người bị viễn hoặc bị cân nặng, bệnh nhân cần phải đi khám mắt định kỳ mỗi 2 năm 1 lần ở bệnh viện mắt chuyên sâu.

Nếu bệnh nhân glaucoma đang điều trị thì phải bảo đảm dùng thuốc đều đặn mỗi ngày và tái khám định kỳ

Không nên chủ quan

Điều quan trọng nhất là ngay cả khi thị lực bình thường, người ta cũng có thể mắc glaucoma nên phát hiện sớm là yếu tố hàng đầu trong điều trị. Khi mắt có các triệu chứng glaucoma hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao vừa nêu trên  thì nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt ngay và tái khám định kỳ theo hẹn.

Glaucoma có nhiều dạng nên phải chẩn đoán chính xác mới có phương pháp điều trị thích hợp như dùng thuốc, laser. Chỉ khi nào điều trị bằng thuốc và laser không hiệu quả thì biện pháp phẫu thuật mới được áp dụng.

Để xác định bệnh, bác sĩ sẽ khám thị thần kinh, đánh giá mức độ lõm gai, đo nhãn áp, soi góc tiền phòng, đo độ dày giác mạc, đo thị trường, chụp cắt lớp… Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh là bệnh viện chuyên khoa sâu đầu ngành, là nơi được trang bị đầy đủ trang thiết bị, cũng như đội ngũ y bác sĩ được huấn luyện, đào tạo sâu rộng trong và ngoài nước. Đồng thời, Bệnh viện cũng luôn có sự hợp tác trao đổi kinh nghiệm, thông tin với các chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh glaucoma. Đây là nơi có đủ điều kiện thể phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả bệnh glaucoma.

BSCKII.Nguyễn Trí Dũng- Trưởng khoa Glaucoma