1669

TƯ VẤN VỀ BỆNH GLAUCOMA (CƯỜM NƯỚC)

TS.BS.Phạm Thị Thủy Tiên


1. Nguyên nhân gây bệnh Glaucoma là do đâu? Cách phòng ngừa và khắc phục:

Trả lời:

Nguyên nhân gây bệnh Glaucoma vẫn chưa rõ. Những người có nguy cơ như phụ nữ, người trên 40 tuổi, cận thị nặng, viễn thị nặng, những người có các bệnh toàn thân kèm theo tiểu đường, cao huyết áp, hen suyễn, sử dụng corticoid.

Cách phòng ngừa: Các đối tượng có nguy cơ cao cần đi khám tầm soát để phát hiện sớm bệnh Glaucoma.


2. Bệnh Glaucoma có bị di truyền hay không? Ví dụ cha mẹ bị bệnh, con cháu về sau có bị hay không?

Trả lời:

Bệnh Glaucoma có di truyền, cha mẹ có thể truyền bệnh cho con. Trong gia đình anh chị em ruột có thể cũng mắc bệnh Glaucoma. Do vậy, khi có người trong gia đình bị Glaucoma cần khuyên tất cả mọi người đi khám nhằm phát hiện bệnh sớm.

3. Mười mấy năm trước, tôi được chẩn đoán có nguy cơ cườm nước và được điều trị bằng chiếu laser,  mắt ổn định đến năm ngoái thì tự nhiên mắt từ lão 2,5 độ xuống còn 1 độ, bù lại nhìn xa không rõ, xin hỏi tại sao?

Trả lời:

Bệnh nhân trên 50 tuổi đang bị lão thị (nhìn xa rõ) bỗng nhìn gần rõ hơn là mắt bắt đầu bị đục thủy tinh thể (cườm khô). Bác cần đi khám đề xác định thêm tình trạng bệnh. Điều trị laser để phòng ngừa cườm nước nhưng không giảm được tình trạng cườm khô do quá trình lão hóa.

4. Khi mổ cườm nước rồi, có sợ nguy cơ bị mù không? 1 mắt bắn tia Laser rồi thì có phải mổ nữa không?

Trả lời:

Sau khi mổ cườm nước, bệnh vẫn có thể bị tái phát. Do đó, cần đi tái khám theo hẹn của Bác sỹ để phát hiện sớm tái phát, chữa trị kịp thời. Chỉ định Laser để phòng ngừa cườm nước; nhưng bệnh glôcôm vẫn có thể tiến triển ở một số đối tượng. Bệnh nhân sau khi laser cũng cần đi tái khám định kỳ mỗi 6 tháng hoặc theo hẹn của bác sĩ.

5. Mắt ra nước mắt nhiều, buổi sáng 2 mi mắt như bị dính lại. Nhức đầu nhiều, 2 bên thái dương lan ra sau tai. Xin hỏi Bác sỹ có phải triệu chứng của Glaucoma. Xin cảm ơn.

Trả lời:

Nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh không chỉ ở mắt mà còn toàn thân nên bạn cần khám Bác sỹ mắt để loại trừ những bệnh mắt. Triệu chứng chảy nước mắt nhiều, mắt bị dính lại có thể là triệu chứng của viêm kết mạc. Bạn cần đi khám Bác sỹ chuyên khoa để xác định bệnh.

6. Tôi bị cườm khô đã mổ, vậy có thể bị bệnh cườm nước không?

Trả lời:

Bệnh cườm khô đã mổ vẫn có thể mắc bệnh cườm nước. Hai bệnh có thể xảy ra trên một mắt nên sau khi mổ cườm khô, bệnh nhân vẫn nên đi khám để phát hiện sớm cườm nước.

7. Có cách nào phòng ngừa bệnh Glaucoma? Khi bị tăng nhãn áp có phải kiêng ăn gì không? Phân biệt giữa mắt đỏ và bệnh Glaucoma như thế nào? Nhỏ thuốc lâu dài có hại mắt không?

Trả lời:

Cách phòng ngừa tốt nhật bệnh Glaucoma là đi khám tầm soát để phát hiện sớm bệnh.

Mắt đỏ là triệu chứng của nhiều bệnh: viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, Glaucoma cấp…Chỉ có Bác sỹ chuyên khoa mắt khám bệnh mới phân biệt được đỏ mắt do nguyên nhân nào. Bạn không nên đến nhà thuốc khai bệnh, mua một chai thuốc không rõ loại để nhỏ vì không đúng bệnh và có thể bị tác dụng phụ của thuốc.

Khi bị tăng nhãn áp, không nên ăn uống kiêng khem, cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng. Hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, không hút thuốc lá vì thuốc lá làm bệnh Glaucoma nặng thêm.

Dùng thuốc hạ nhãn áp lâu dài có thể gây khô mắt, đỏ mắt. Bác sỹ điều trị cho bạn có thể kê toa bổ sung nước mắt nhân tạo.