162

VIÊM KẾT MẠC CẤP (ĐAU MẮT ĐỎ)

VIÊM KẾT MẠC CẤP (ĐAU MẮT ĐỎ)

Bệnh viêm kết mạc cấp là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc mắt (là lớp mô trong suốt lót bề mặt bên trong mí mắt và lớp phủ phần lòng trắng mắt bị viêm đỏ), bệnh có thể lây lan thành dịch vào mùa hè nắng nóng ở những nơi đông dân cư

Nguyên nhân thường gặp là do Adenovirus, Enterovirus…

Trong tháng 9/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận đang có dịch đau mắt đỏ. Theo kết quả báo cáo nhanh của phòng xét nghiệm hợp tác giữa Bệnh viện Nhiệt đới – OUCRU phối hợp với Bệnh viện Mắt TP.HCM và HCDC tiến hành khảo sát những bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ cho thấy tác nhân chiếm ưu thế là Enterovirus (86%), còn tác nhân thường gặp trước đây là Adenovirus chỉ chiếm số ít (14%)

Triệu chứng:

Người bệnh đau mắt đỏ thường có biểu hiện rất điển hình như: đỏ, ngứa mắt, nhiều ghèn, chảy nước mắt, cảm giác cộm, mi mắt đau nhức, sưng nề. Một số người bệnh còn có triệu chứng đau họng, ho, nổi hạch sau tai, mệt mỏi, sốt nhẹ…

Nếu viêm kết mạc cấp có phản ứng viêm mạnh thì mi sưng nề nhiều và xuất tiết viêm trên bề mặt kết mạc tạo thành giả mạc (là một màng trắng bám vào kết mạc), làm phản ứng viêm nặng hơn và ngăn thuốc không thấm vào kết mạc được. khi đó cần phải bóc giả mạc

Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào?

Với virus gây bệnh đau mắt đỏ là do tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh trong lúc nói chuyện, hắt hơi.

Chạm tay vào dịch tiết nhiễm mầm bệnh dính trên vật dụng hay đồ dùng cá nhân như điện thoại, nút bấm cầu thang máy, chìa khóa, tay nấm cửa, gối, khăn mặt, bàn chải, đồ chơi…

Sử dụng chung nguồn nước ở ao hồ, bể bơi… chứa mầm bệnh.

Tất cả những yếu tố trên cộng với việc có thói quen hay dụi mắt, sờ tay vào mũi, miệng, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Điều trị:

Hiện nay, chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu, ngoài bóc giả mạc bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh tra tại mắt để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và thuốc chống viêm để giảm phản ứng viêm. Thông thường không cần thuốc kháng sinh, chống viêm đường toàn thân (tiêm, uống)

Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là những trường hợp nặng thì vai trò của bố mẹ và người thân vô cùng quan trọng vì đứa trẻ không tự dùng thuốc được.

Tra thuốc vào mắt và dỗ trẻ không khóc để tránh rửa trôi thuốc ra ngoài, ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt. Tuân thủ đúng những khuyến cáo của bác sĩ về điều trị và đưa trẻ đến khám bác sĩ đúng theo hẹn hoặc đưa trẻ đến khám lại ngay khi có diễn biến bất thường.

Viêm kết mạc cấp nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng Viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu). Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những trường hợp: Người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp Viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc)

Đặc biệt bệnh nhân không được tự y mua thuốc nhỏ có thành phần Dexamethasone vì có thể gây nên những biến chứng nặng làm mù mắt vĩnh viễn như Viêm loét giác mạc bội nhiễm nấm, tăng nhãn áp do corticoid, đục thủy tinh thể…

Hình: Viêm loét giác mạc bội nhiễm nấm

Lưu ý khi điều trị đau mắt đỏ

Để giúp giảm bớt một số tình trạng viêm và khô do đau mắt đỏ, có thể sử dụng gạc lạnh và nước mắt nhân tạo.

  • Rửa mắt liên tục bằng nước muối sinh lý 0,9 % để loại trừ mủ và tiết tố.
  • Ngừng đeo kính áp tròng cho đến khi không còn triệu chứng đau mắt đỏ nữa.
  • Sử dụng khăn giấy sạch mỗi khi lau mặt và mắt.
  • Rửa tay thường xuyên, trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh hoặc sau khi hắt hơi hoặc ho, rửa tay bằng xà phòng sau khi chăm sóc hoặc nhỏ thuốc cho người bị đau mắt đỏ đặc biệt là trẻ nhỏ
  • Không chạm tay vào mắt.
  • Không trang điểm mắt khi mắt đang bị nhiễm trùng, thay đồ trang điểm nếu bị nhiễm trùng mắt.
  • Tập thể dục, ăn đủ chất, tránh lây lan thành dịch.