959

VIÊM KẾT MẠC DỊ ỨNG

Viêm kết mạc dị ứng là tình trạng viêm cấp hoặc mãn tính ở kết mạc khá thường gặp, gây triệu chứng ngứa khó chịu, khô mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, cộm, xốn, nhạy cảm ánh sáng hoặc phù tròng trắng cấp tính. Các triệu chứng này thường xảy ra vào buổi tối, buổi sáng ngủ dậy, hay xuất hiện theo mùa đặc biệt là khi tiếp xúc dị nguyên (bụi, lông chó mèo, phấn hoa, thức ăn, …)

Nguyên nhân nào dẫn đến viêm kết mạc dị ứng?

– Đa số không rõ nguyên nhân.

– Một số nguyên nhân khác có thể là do thời tiết, môi trường (phấn hoa, bụi, hóa chất, …), thực phẩm (tôm, cua cá biển, bò, gà…), cơ địa dị ứng.

Các dạng viêm kết mạc dị ứng:

– Viêm kết mạc dị ứng theo mùa

– Viêm kết mạc quanh năm

– Viêm kết mạc mùa xuân

Viêm kết mạc dị ứng có thể gây biến chứng gì?

Viêm kết mạc dị ứng không được kiểm soát có thể gây viêm giác mạc, loét giác mạc hình khiên, hoặc tăng nhãn áp do dùng steroid kéo dài và làm nặng thêm bệnh lý giác mạc chóp (Keratoconus) nếu có.

Điều trị viêm kết mạc dị ứng như thế nào?

Nếu viêm kết mạc dị ứng mạn tính thì không chữa khỏi hoàn toàn, thường tái đi tái lại nhiều lần, đòi hỏi thời gian dài để kiểm soát được tình trạng viêm. Điều trị gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 điều trị tích cực nhằm kiểm soát nhanh tình trạng viêm, giai đoạn 2 điều trị duy trì bằng biện pháp tối thiểu nhằm duy trì bệnh yên lặng.

– Loại trừ tác nhân gây dị ứng

– Chườm lạnh 2 – 3 lần mỗi ngày

– Dùng thuốc nhỏ tại chỗ tùy vào mức độ dị ứng: kháng dị ứng steroid, non steroid, kháng histamine, nước mắt nhân tạo, ổn định dưỡng bào

Lưu ý: dùng kháng sinh và steroids thường quy trong VKM dị ứng không được khuyến khích.