Ở người cao tuổi, bên cạnh những bệnh mãn tính thường gặp như bệnh tim mạch, bệnh xương khớp, …việc ăn uống hợp lý cũng là một vấn đề đáng lưu tâm nhằm kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Vì sao người cao tuổi ăn uống kém?
Tuổi càng cao hoạt động co bóp của dạ dày và khả năng tiêu hoá thực phẩm càng giảm; các chức năng về vị giác, khứu giác cũng giảm, dẫn đến việc người già ăn không cảm thấy ngon miệng. Thêm vào đó, việc mắc các bệnh lý về răng miệng, việc mất răng do tuổi tác sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc nhai, nuốt cũng như tiết nước bọt, dẫn đến mất cảm giác ngon khi ăn. Không những vậy, các bệnh lý và thuốc dùng trị bệnh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc ăn uống của người cao tuổi.
Việc sống đơn độc, không có người san sẻ, cảm giác không được quan tâm dễ khiến người cao tuổi bị tổn thương tâm lý, dẫn đến tình trạng ăn qua loa cho xong bữa hoặc bỏ ăn khi có bất đồng với con cháu. Người cao tuổi ít vận động, ngồi, nằm một chỗ nhiều, cũng dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn.
Dinh dưỡng thế nào là hợp lý ở người cao tuổi?
Nhu cầu năng lượng của người cao tuổi giảm so với lúc còn trẻ. Như vậy, cần giảm bớt năng lượng ăn vào nhằm tránh tăng gánh nặng cho dạ dày và hệ tiêu hoá. Năng lượng cung cấp hàng ngày vừa phải để tránh đưa đến tình trạng thừa cân, tích tụ mỡ, là nguyên nhân của các bệnh mạn tính không lây.
Trong bữa ăn hàng ngày, nên chọn lựa những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như bún, phở, gạo lứt, gạo xát không quá trắng, khoai củ giàu chất xơ, hoặc các loại bánh mì làm từ các loại ngũ cốc nguyên hạt… Nên hạn chế dùng các loại đường hấp thu nhanh có trong các loại nước ngọt có gas, bánh kẹo…
Ở người cao tuổi, quá trình tiêu hoá và hấp thu chất đạm bị suy giảm. Do vậy một bữa ăn giàu chất đạm (nhiều thịt gia cầm, hải sản, trứng…) sẽ gây khó tiêu hoặc rối loạn tiêu hoá. Tốt nhất người già nên ăn cân đối các loại thịt. Hạn chế ăn thịt đỏ, thịt lẫn mỡ mà nên thay bằng cá, vì chất đạm từ cá dễ tiêu hoá hơn và có chứa một số axit béo cần thiết. Đậu hũ, sữa đậu nành, đậu Hà Lan, đậu cô ve cũng là những thực phẩm cung cấp chất đạm tốt, dễ tiêu hóa.
Để tránh thúc đẩy tình trạng rối loạn mỡ máu vốn rất dễ xảy ra ở người cao tuổi, nên hạn chế dùng mỡ động vật (trừ mỡ cá), thịt mỡ, nội tạng động vật, bơ vì chứa nhiều chất béo no và cholesterol không tốt cho tim mạch. Chế biến thức ăn cho người lớn tuổi nên sử dụng dầu thực vật. Cũng nên hạn chế ăn thức ăn dạng chiên, xào vì chứa nhiều chất béo khó tiêu.
Gần đây, các acid béo không no như Omega 3, Omega 6 thường được nhắc đến vì có lợi cho sức khỏe người cao tuổi. Omega 3 có nhiều trong các loại dầu nành, dầu hạt cải, cá béo, tảo, rong biển. Omega 6 trong dầu mè, dầu nành, dầu hướng dương.
Người cao tuổi trong bữa ăn hàng ngày nên dùng nhiều rau củ có màu xanh đậm, màu vàng đậm (khoảng 300 – 400g rau/ngày), các loại trái cây (khoảng 100 – 200 g/ngày) nhằm cung cấp chất xơ chống táo bón và một số vitamin (A, C, E…) cũng như các chất chống oxy hoá cần thiết cho cơ thể.
Người cao tuổi rất dễ bị loãng xương. Một đến hai ly sữa không đường, ít béo mỗi ngày sẽ là nguồn cung cấp Canxi rất tốt cho cơ thể người già. Một chế phẩm khác từ sữa là sữa chua có thể được dùng hàng ngày, vừa cung cấp Canxi vừa có lợi cho quá trình tiêu hóa.
Để Canxi được hấp thu tốt, cơ thể cần có đủ lượng vitamin D cần thiết. Do vậy, nên khuyến khích người già vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập thể dục dưới ánh nắng mặt trời.
Bữa ăn của người lớn tuổi tránh ăn quá no, các món ăn nên được chế biến phù hợp với khả năng nhai, cũng nên nêm nhạt để tốt cho huyết áp.
Không chỉ quan tâm đến việc ông bà cần ăn uống như thế nào, con cháu cũng nên có thời gian chuyện trò cùng ông bà. Bữa ăn gia đình đầm ấm cùng con cháu sẽ là liều thuốc bổ tốt nhất giúp ông bà ăn uống ngon miệng, tinh thần vui vẻ thoải mái.
(Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia)