389

Ăn giảm muối và giảm đường để phòng các bệnh không lây nhiễm

Muối (NaCl), được cấu thành từ hai nguyên tố hóa học là Natri và Chlorua. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một thìa 5g muối chứa khoảng 2.000mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng hàng ngày với một người trưởng thành. Trẻ nhỏ dưới một tuổi, lượng muối được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo dưới 1,5g và trẻ sơ sinh ăn dưới 0,3g muối. 

Trong khẩu phần ăn hàng ngày, lượng natri có hai nguồn gốc: từ tự nhiên có trong thực phẩm và chủ yếu từ việc bổ sung thêm muối cùng các gia vị mặn khi chế biến, chấm thức ăn. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta chủ yếu là từ muối và các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Bột canh và nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày, cùng với mì chính và muối tinh.

Thực tế thì mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam là 9,4g/ngày, gần gấp đôi lượng muối mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là 5g/ngày. Ăn quá 5g muối mỗi ngày sẽ ảnh hướng đến mạch máu, ứ nước trong cơ thể dẫn đến tăng huyết áp. Ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân của sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng.

Cùng với sử dụng quá nhiều muối, Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo, người Việt Nam sử dụng quá nhiều đường. Cụ thể, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt Nam là 46,5g/ngày, trong khi mức khuyến cáo của WHO là 25g/ngày. Việc sử dụng nhiều đường khiến cho tỷ lệ béo phì ở Việt Nam tăng nhanh nhất Đông Nam Á. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân – béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% (năm 2000) lên 5,3% kể từ sau năm 2015. Sau 10 năm (2002-2012), tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tăng thêm 2 lần từ 2,7% lên 5,4%. Hiện tại, cả nước đang có trên 3,5 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường.

Để phòng tránh bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, các chuyên gia y tế khuyến cáo giảm lượng muối ăn, lượng đường ăn vào hàng ngày. Đo huyết áp, đường huyết định kỳ. Hạn chế sử dụng đồ uống có đường. Giảm đường, giảm muối trong việc chế biến đồ ăn, thức uống.

Nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày (ảnh minh họa nguồn internet)

Hải Yến – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)

Nguồn: http://vncdc.gov.vn/vi/hoat-dong-don-vi-dia-phuong/7438/%E2%80%8Ban-giam-muoi-va-giam-duong-de-phong-benh-khong-lay-nhiem)