455

Glaucoma (Cườm nước)

Hỏi: Bệnh glaucoma (cườm nước) luôn có triệu chứng đau nhức mắt. Không đau nhức mắt thì không lo ngại gi?
Đau nhức mắt chỉ gặp trong một số thể bệnh Glaucoma  cấp tính. Các thể bệnh mãn tính, do áp lực trong mắt tăng lên từ từ nên mắt thích nghi với sức căng bất thường đó mà không có cảm giác đau nhức hoặc chỉ thỉnh thoảng căng tức trong mắt, do vậy kể cả không đau nhức mắt bạn vẫn cần khám kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh sớm nhất.

Hỏi: Bệnh glaucoma (cườm nước) chỉ gặp ở người già?
Không đúng. Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Bệnh glaucoma thứ phát hay gặp nhất trong cộng đồng hiện nay là glaucoma do tra thuốc corticoid kéo dài. Những bệnh nhân tự mua các loại thuốc này ( Ticoldex, Dexacol, Decordex…) tra kéo dài để chữa các chứng ngứa mắt sẽ có nguy cơ rất cao bị glaucoma.


Hỏi: Chi phí để điều trị bệnh cườm mắt là bao nhiêu vậy bác sĩ?

Trả lời:

Trước hết, chúng ta cần xác định rõ câu hỏi của bạn: Cườm mắt là cườm gì? Cườm khô hay cườm nước? Nếu là cườm khô ( còn gọi là Đục Thủy Tinh Thể) thì chi phí chỉ cho một lần phẫu thuật là đủ, và giá cả sẽ tùy thuộc vào loại kính mà bệnh nhân chọn để đưa vào. Tuy nhiên, đối với cườm nước (Glaucoma), không thể xác định tổng chi phí cho việc điều trị được vì cườm nước là một bệnh cần phải theo dõi suốt. Do đó, chi phí điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố: xác định cườm nước thuộc loại gì, cách điều trị như thế nào ( Thuốc, Laser hay phẫu thuật) và trong quá trình theo dõi bệnh có cần phải chuyển đổi phương pháp điều trị khác không. Bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sỹ đang điều trị cho bạn để biết rõ thêm.

ThS.BS.Bùi Thị Thu Hương

 

Hỏi: Tôi bị Glaucoma đã hai năm. Mới đây đi khám thì bác sĩ cho biết nhãn áp của tôi đang hạ. Xin bác sĩ cho biết, hạ nhãn áp như vậy có nguy hiểm gì cho mắt hay không? Mức hạ nhãn áp bao nhiêu là an toàn cho mắt.

Trả lời:

Bạn được chẩn đoán bị Glaucoma (cườm nước), và mục tiêu điều trị bệnh Glaucoma hiện thời là dùng mọi cách để hạ nhãn áp đến mức an toàn. Thông thường, nhãn áp hạ nhưng không nên dưới 9 mmHg thì sẽ đảm bảo sự an toàn cho mắt.

ThS.BS.Bùi Thị Thu Hương

 

Hỏi: Xin bác sĩ cho biết ai là người dễ mắc bệnh Glaucoma nhất, triệu chứng của bệnh là gì? Bệnh có thể tự phát hiện sớm được không?

Trả lời:

Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh Glaucoma, tuy nhiên những người trong nhóm dưới đây được xem là nhóm người có nguy cơ bị bệnh Glaucoma cao hơn những người khác:

. Người Mỹ gốc Phi

. Trên 60 tuổi

. Gia đình có người bị Glaucoma

. Sử dụng thường xuyên thuốc có chứa Steroid

. Người gốc châu Á

. Có tiền sử bị chấn thương mắt

. Cận thị nặng

. Cao huyết áp

. Hút thuốc lá nhiều

. Bề dày giác mạc giảm

Cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm là bạn nên đi khám mắt theo định kỳ, và bác sỹ mắt sẽ khám và đề nghị làm một số xét nghiệm để giúp phát hiện bênh Glaucoma giai đoạn sớm

ThS.BS.Bùi Thị Thu Hương

 

Hỏi: Có phải bệnh Glaucoma chỉ gặp ở người già? Ba tôi thường hay tự ý dùng thuốc nhỏ mắt. Xin bác sĩ cho biết có điều có nguy cơ gây bệnh Glaucoma hay không?

Trả lời:

Bệnh Glaucoma có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng người càng lớn tuổi thì càng dễ mắc bệnh hơn. Bạn nên khuyên ba bạn không nên tự ý dùng thuốc nhỏ mắt như vậy, bởi vì có một số thuốc nhỏ mắt có thể gây Glaucoma nếu dùng thường xuyên. Nên nhỏ mắt theo toa bác sỹ điều trị.

ThS.BS.Bùi Thị Thu Hương

 

Hỏi: Sau khi phẫu thuật bệnh sẽ khỏi hoàn toàn? Làm thế nào để phòng ngừa được bệnh?

Trả lời:

Hiện giờ, chưa có ai dám khẳng định là sau khi phẫu thuật bệnh Glaucoma sẽ khỏi hoàn toàn.

Để phòng ngừa bệnh Glaucoma, bạn nên tuân theo 5 qui luật sau:

. Ngưng hút thuốc

. Tập thể thao đều đặn

. Chế độ ăn và thực phẩm bổ sung giàu vitamin và chất chống oxy hóa.

. Tránh ánh sáng mặt trời có tia tử ngoại bằng cách đeo kính và nón rộng vành khi ra ngoài

. Khám và theo dõi mắt định kỳ

ThS.BS.Bùi Thị Thu Hương

 

Hỏi: Mẹ tôi mới phát hiện bệnh Glaucoma và được bác sĩ tư vấn điều trị bằng thuốc. Xin bác sĩ cho biết phương pháp điều trị Glaucoma hiện nay là gì? Giữa phẫu thuật và dùng thuốc, phương pháp nào tốt hơn?

Trả lời:

Có rất nhiều phương pháp đều trị Glaucoma hiện nay: Thuốc , Laser hoặc Phẫu thuật. Tùy theo loại bệnh Glaucoma, giai đoạn bệnh, hoàn cảnh kinh tế bệnh nhân, trang thiết bị và kinh nghiệm của mỗi bác sỹ mà bệnh nhân sẽ được chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp.Do đó, không thể khẳng định được việc dùng thuốc hay phẫu thuật cái nào tốt hơn

ThS.BS.Bùi Thị Thu Hương

 

Hỏi: Xin hỏi bác sĩ làm sao có thể chẩn đoán được bệnh cườm ướt.

Trả lời:

– Để chẩn đoán chính xác bệnh glaucoma bệnh nhân nhất thiết phải được khám kỹ lưỡng bởi các bs chuyên khoa mắt và thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu về mắt như đo thị trường, chụp hình cắt lớp (OCT) thần kinh mắt.

– Tuy nhiên, trong cộng đồng, vấn đề quan trọng nhất lại là: làm sao có thể nhận biết được bệnh để đi khám và điều trị.

– Bệnh glaucoma có 2 dạng bệnh chính là glaucoma góc đóng (cấp tính hoặc glaucoma mãn tính) và Glaucoma góc mở (glaucoma mãn tính).

– Glaucoma cấp tính (thiên đầu thống): triệu chứng rầm rộ, dữ dội: đau nhức mắt, nhìn mờ, nhức nửa đầu cùng bên, buồn nôn, nôn, nhìn thấy quầng xanh đỏ quanh bóng đèn. Khi có những dấu hiệu này cần đi cấp cứu tại cở sở y tế gần nhất, sau đó sẽ điều trị tiếp tục tại các bv chuyên khoa mắt.

– Dạng cấp tính tuy rầm rộ và dữ dội nhưng lại là dấu hiệu nhận biết rõ ràng để bệnh nhân có thể đi khám và điều trị sớm. Ngược lại, glaucoma mạn tính hay Glaucoma góc mở lại là một dạng bệnh rất nguy hiểm vì nó diễn tiến âm thầm và gần như không có triệu chứng gì đặc biệt. Cho đến khi bệnh nhân thấy nhìn mờ mới đi khám thì bệnh đã diễn tiến rất lâu và gây tổn thương không hồi phục. Ở glaucoma mạn tính, cách phát hiện bệnh tốt nhất là thăm khám mắt định kỳ, đặc biệt là ở một số đối tượng sau:

  • Bệnh nhân trên 40 tuổi
  • Tiền sử gia đình có người bị bệnh glaucoma
  • Tiền căn chấn thương mắt, phẫu thuật tại mắt
  • Tiền sử dùng thuốc nhỏ mắt lâu dài, đã hoặc đang điều trị các bệnh như lupus, bệnh thận, bệnh khớp có sử dụng corticoid
  • Cận thị nặng
  • Bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường

BS.CKII.Trịnh Bạch Tuyết

 

Hỏi: Tôi nghe nói bệnh glaucoma xảy ra cho người trên 50t, vậy làm sao để ngăn ngừa được bệnh.

Trả lời:

Để ngăn ngừa bệnh cần:

– Thăm khám mắt định kỳ tại các bv chuyên khoa mắt ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như: trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người bị glaucoma, tiền sử chấn thương mắt, v..v

– Điều trị tốt các bệnh lý toàn thân như tăng huyết áp, đái tháo đường

– Không tự ý nhỏ thuốc vào mắt mà phải có ý kiến của bs chuyên khoa mắt

– Bệnh nhân đang điều trị bệnh dùng corticoid thường xuyên (khớp, bệnh thận, lupus) cần thăm khám mắt định kỳ

– Tăng cường tập thể dục, ăn nhiều chất xơ, tránh lo âu, căng thẳng.

BS.CKII.Trịnh Bạch Tuyết

 

Hỏi: Theo thông tin tôi được biết, bệnh cườm nước giải phẫu mắt. Còn cách nào để điều trị mà không phải phẫu thuật không ạ?

Trả lời:

– Không phải tất cả bệnh glaucoma đều phải phẫu thuật mắt mà tùy thuộc vào thể bệnh. Phẫu thuật hay không là do bs chuyên khoa mắt quyết định.

– Hiện nay 3 phương pháp điều trị bệnh glaucoma chủ yếu là:

  • Dùng thuốc
  • Dùng tia laser
  • Phẫu thuật à Tùy từng bệnh nhân mà Bác sỹ sẽ áp dụng các phương pháp thích hợp.

BS.CKII.Trịnh Bạch Tuyết

Hỏi: Chào bác sỹ,  Bà em trên 60 tuổi đã mổ mắt cườm (cườm nước) cách dây 3 năm, bây giờ mắt bà em lại có triệu chứng như trước . Vậy bác sỉ cho em hỏi mình có thể mổ lại được không ? Cảm ơn bác sỉ!

Trả lời:

Em không nói rõ triệu chứng như trước là như thế nào nên không thể xác định được. Tuy nhiên, bất kỳ bệnh nhân nào đã mổ glaucoma đều cần phải được theo dõi tiếp tục định kỳ và suốt đời vì bệnh vẫn có khả năng tái phát sau mổ ( NA sẽ tăng trở lại) và bệnh diễn biến nặng hơn với tổn thương gai thị, thị trừơng, giảm lớp sợi TK( RNFL) đồng thời theo dõi luôn mắt còn lại. Tùy vào tình trạng bệnh và đáp ứng điều trị mà bs có quyết định mổ lại hay tiếp tục dùng thuốc, hoặc theo dõi NA….Em cần đưa bệnh nhân đến khám ngay tại các bv chuyên khoa mắt.

BS.CKII.Trịnh Bạch Tuyết

Hỏi: Thưa bác sĩ, ba của tôi năm nay 65 tuổi đã mổ cườm mắt, xin hỏi phải ăn uống điều độ thế nào để giảm thiểu bệnh ạ?

Trả lời:

–  Ăn nhiều rau xanh, chất xơ, hạn chế cholesterol

–  Tập thể dục thường xuyên

–  Kiểm soát cân nặng, huyết áp, đường máu

–  Tránh lo âu, căng thẳng

–  Bệnh nhân lớn tuổi, đã phẫu thuật glaucoma thì nên khám mắt mỗi 3 tháng/lần

BS.CKII.Trịnh Bạch Tuyết

 

Hỏi: Triệu chứng của bệnh Glaucoma là đau nhức mắt. Nếu mắt không đau nhức thì hoàn toàn có thể yên tâm mắt không bị bệnh?

Hỏi: Tôi đi khám bác sĩ cho biết tôi bị Glaucoma góc mở. Xin bác sĩ cho biết Glaucoma góc mở là gì?

Trả lời:

 





Lưu thông thủy dịch ở mắt bình thường Glaucoma góc mở Glaucoma góc đóng

– Mắt có khả năng tự sản xuất nước bên trong nó gọi là thủy dịch. Thủy dịch có vai trò dinh dưỡng và giữ hình dạng nhãn cầu. Thủy dịch sau khi được tạo ra sẽ thoát ra ngoài qua góc tiền phòng, quá trình này diễn ra liên tục giúp giữ cân bằng áp lực nước trong mắt.

– Ở bệnh nhân glaucoma góc mở: góc tiền phòng mở rộng nhưng nước không thoát ra được do hệ thống dẫn lưu bị hư hỏng ( vùng bè bị sơ hoá) Nước ứ lại trong mắt gây tăng nhãn áp.

– Ở bệnh nhân glaucoma góc đóng: góc tiền phòng bị bít hẹp nên nước không thể thoát ra khỏi mắt.

– Ở bệnh nhân góc đóng, khi quá trình này diễn ra đột ngột gây tăng nhãn áp rất nhanh và cao làm bệnh nhân đau nhức mắt dữ dội. Còn những bệnh nhân glaucoma mạn tính (góc đóng hay góc mở) không có sự tăng nhãn áp đột ngột và quá cao nên ít có triệu chứng nhức mắt. Vì vậy không nhức mắt không có nghĩa là không bị glaucoma

BS.CKII.Trịnh Bạch Tuyết

 

Hỏi: Xin hỏi bác sĩ làm sao có thể phát hiện trẻ bị cườm nước? Nguyên nhân vì sao?

Trả lời:

Các dấu hiệu có thể nghi ngờ trẻ bị cườm nước: sợ ánh sáng, chảy nước mắt, co quắp mi mắt; mắt đục và to một cách bất thường; độ cận thị tiến triển nhanh hoặc có thể bị lé.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị cườm nước:

Nguyên nhân nguyên phát: do sự phát triển bất thường của hê thống dẫn lưu dịch trong mắt, đưa đến tình trạng áp lực trong mắt gia tăng làm tổn thương thần kinh của mắt. Thông thường, nguyên nhân này có tính cách di truyền.

Nguyên nhân thứ phát: sự tăng áp lực trong mắt thường theo sau một số bệnh lý sẵn có trong mắt như viêm màng bồ đào, chấn thương, sau phẫu thuật mắt, u trong mắt…

ThS.BS.Mai Đăng Tâm

 

Hỏi: Chào bác sĩ. Con tôi năm nay được 3 tuổi và cháu mới mổ cườm mắt (cườm nước) được 6 tháng, trong thời gian theo dõi mắt bé vẫn ổn định và đeo kiếng thường xuyên, nhưng tôi cảm thấy đeo kiếng mắt bé lại lác nhiều hơn. Vậy thưa bác sĩ có phải đeo kiếng nên mới như vậy ko ạ?

Trả lời:

Có nhiều cách điều trị lác, trong đó đeo kính là một trong những phương pháp để điều trị. Nếu bạn cảm thấy con bạn đeo kính mà thấy mắt của bé lác nhiều hơn thì bạn nên đưa bé đến khám tại phòng khám lé của bệnh viện Mắt TP.HCM để bác sĩ có thể kiểm tra lại tình trạng lác của bé và chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp cho bé.

ThS.BS.Mai Đăng Tâm

 

Hỏi: Chồng em năm nay 32 tuổi đang có những dấu hiệu bị bệnh cườm mắt nhưng chưa đi khám bệnh.công việc lại thường xuyên phải uống bia,rượu.xin bác sĩ cho biết thường xuyên uống bia,rượu có ảnh hưởng gì đến bệnh cườm mắt không?

Trả lời:

Một số nghiên cứu cho thấy uống rượu bia có liên quan đến sự phát triển của đục thuỷ tinh thể (cườm khô), nhưng không có liên quan đến cườm nước.

Do vậy, xin chị cho biết rõ là chồng chị bị cườm mắt là cườm khô hay cườm nước? Thiết nghĩ, chị nên khuyên chồng chị đi khám mắt để biết rõ tình trạng bệnh lý ở mắt.

ThS.BS.Mai Đăng Tâm

 

Hỏi: Chào Bác sĩ, Bệnh Cườm ướt có thể xảy ra với trẻ em. Vậy bệnh này xảy ra với bé trong độ tuổi nào? triệu chứng và cách điều trị như thế nào? Con tôi 2 tuổi, hay nheo mắt và nháy mắt khi nhìn tập trung. Vậy bé có nguy cơ này không? Cảm ơn BS.

Trả lời:

Bệnh cườm nước có thể xảy ra ở bất kì lứa tuổi nào. Ở trẻ em, triệu chứng có thể biểu hiện của cườm nước là: sợ ánh sáng, chảy nước mắt, co quắp mi mắt; mắt đục và to một cách bất thường; độ cận thị tiến triển nhanh hoặc có thể bị lé.

Có nhiều phương pháp để điều trị cườm nước ở trẻ như dùng thuốc, laser hoặc phẫu thuật.

Con bạn 2 tuổi, hay nheo mắt và nháy mắt khi nhìn tập trung thì tôi nghĩ con bạn có khả năng bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị hoặc loạn thị). Bạn nên đưa con bạn đi khám mắt để biết rõ tình trạng bệnh lý (nếu có) của bé.

ThS.BS.Mai Đăng Tâm

 

Hỏi:Tôi năm nay  53 tuổi, mới phát hiện mình bị Glaucoma. Xin bác sĩ cho biết bệnh này có tự phục hồi được hay không?

Trả lời:

Hiện nay, theo y văn trên thế giới, một khi đã được chẩn đoán là glaucoma, nếu không điều trị, bệnh sẽ diễn tiến đến mất thị lực hoàn toàn và không thể tự hồi phục được. Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và theo dõi sát thì có thể bảo  tồn được thị lực cho bệnh nhân.

ThS.BS.Mai Đăng Tâm

 

Hỏi:Tôi bị Glaucoma nhưng lại có thói quen uống rất nhiều nước. Khoảng 3 lít/ngày. Tôi nghe nói uống nhiều nước sẽ không tốt cho mắt. Xin bác sĩ tư vấn thêm về chế độ ăn uống đối với người mắc bệnh Glaucoma.

Trả lời:

Uống nhiều nước trong một thời gian ngắn sẽ tạo một gánh nặng đột ngột cho một số cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là thận. Có một xét nghiệm để đánh giá bệnh nhân có nguy cơ bị cườm nước hay không bằng cách cho bệnh nhân uống nhiều nước trong một thời gian ngắn và kiểm tra lại áp lực trong mắt. Nếu áp lực này tăng trên 6 mmHg so với trước khi uống nước thì bệnh nhân này có nhiều nguy cơ bị cườm nước. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng sự gia tăng của áp lực trong mắt do uống nhiều nước chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và do vậy, không làm tổn hại đến thần kinh mắt. Vì thế, người ta không khuyến cáo là những bệnh nhân glaucoma hạn chế việc uống nhiều nước.

Đối với bệnh nhân glaucoma, không có kiêng cử trong chế độ ăn uống. Các nhà dinh dưỡng học khuyên các bệnh nhân glaucoma nên dùng các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hoá (vitamin C, vitamin E, kẽm…). Đặc biệt, các bệnh nhân glaucoma phải nên tái khám thường xuyên tại bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và tư vấn kĩ hơn.

ThS.BS.Mai Đăng Tâm

 

Hỏi: Con gái tôi mới 3 tuổi nhưng bác sĩ cho biết cháu bị Glaucoma. Tôi đang rất hoang mang và lo lắng. Liệu sau này cháu lớn lên, bệnh có ảnh hưởng gì đến thị lực của cháu hay không?

Trả lời:

Để bớt lo lắng và hoang mang cho gia đình, tôi khuyên bạn nên đưa bé đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa mắt trẻ em để bạn đươc tư vấn và bé được khám kĩ lưỡng hơn. Nếu bé bị glaucoma và đã được điều trị tốt thì thị lực của bé có thể được duy trì.

ThS.BS.Mai Đăng Tâm